Tăng quyền chủ động trong bố trí cán bộ
Hơn 10 năm kể từ khi ban hành Luật Công đoàn, nước ta đã có nhiều chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn, tham gia rất nhiều các công ước quốc tế nên việc sửa đổi Luật Công đoàn là vấn đề cấp bách. Tại Hội nghị lấy ý kiến tham gia Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) của Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm. Trong đó, đa số đều đồng tình duy trì quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn trong dự thảo luật. Đóng góp ý kiến vào dự thảo luật này, ĐBQH, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa Võ Mạnh Sơn cho rằng, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cần có quy định chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình không đóng kinh phí công đoàn. Đồng thời, đề nghị Quốc hội tiếp tục quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Bởi, kinh phí này là nguồn thu quan trọng để tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn khó khăn và để công đoàn chủ động, độc lập trong hoạt động.
Cũng theo ĐBQH Võ Mạnh Sơn, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của tổ chức công đoàn, Quốc hội nên xem xét có giải pháp quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bởi vì, hiện nay số lượng cán bộ công đoàn cấp tỉnh, huyện được bố trí chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, số lượng đoàn viên tăng liên tục gây khó khăn cho hoạt động công đoàn, có nơi công đoàn không kịp thời chăm lo, bảo vệ được quyền lợi người lao động. Nhiều nơi có đông đoàn viên, người lao động nhưng số lượng cán bộ công đoàn được bố trí có tính chất “cào bằng” như địa bàn có ít đoàn viên, người lao động.
Mặt khác, hoạt động công đoàn rất cần đội ngũ cán bộ công đoàn có kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở. Tuy nhiên, hiện cán bộ công đoàn lại được tuyển dụng như công chức nhà nước, dẫn đến khó khăn trong việc thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở và phong trào công nhân. Do đó, đề nghị Quốc hội xem xét tháo gỡ về chính sách tuyển dụng cán bộ công đoàn. Ngoài ra, cần quy định rõ ràng hơn về quyền chủ động thực hiện giám sát của công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi) để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, sớm phát hiện bất cập, tranh chấp, không để xảy ra đình công, ngừng việc.
Luật hóa việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên
Trao đổi bên lề cuộc TXCT chuyên đề và khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên Đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình mới đây, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc bày tỏ quan điểm, những nội dung dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) là cần thiết, phù hợp, có nhiều điểm mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động công đoàn. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) không đề cập, không có đối tượng áp dụng là công nhân, người lao động đang làm việc trong lực lượng vũ trang.
ĐBQH Đặng Bích Ngọc đề nghị, trong Dự thảo luật quy định cần cụ thể hơn hành vi bị nghiêm cấm về “cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn” và các nội dung trên để thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế. Đồng thời, bổ sung nội dung trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội; nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn cần được luật hóa để thuận tiện cho việc thực hiện. Về trình tự thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam, đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Do vậy, không nên quy định “cứng” trong Luật mà do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định để bảo đảm linh hoạt.