Tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai Khóa X, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật an toàn, vệ sinh lao động 6 tháng đầu năm 2024.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 195 vụ tai nạn lao động khiến 205 người bị nạn; trong đó có 25 vụ khiến 30 người chết. Trong đó, 7 vụ tai nạn lao động xảy ra tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) làm chết 7 người, các doanh nghiệp ngoài KCN 18 vụ, làm chết 23 người.
Điển hình là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 1.5 tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu) khiến 6 người chết, 5 người bị thương.
Qua phân tích ban đầu các vụ tai nạn gây tử vong có 52% lỗi do người sử dụng lao động như thiếu biện pháp, quy trình làm việc an toàn, máy móc thiết bị chưa đảm bảo an toàn…; 20% do lỗi người lao động vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn do người sử dụng lao động ban hành… và 28% do nguyên nhân khác.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đã thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại 81 doanh nghiệp. Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 doanh nghiệp có các hành vi vi phạm như: không tổ chức huấn luyện về công tác an toàn, vệ sinh lao động; không nhận diện đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại nơi làm việc với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 587 triệu đồng.
UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá, nguyên nhân dẫn đến số vụ tai nạn và số người chết tăng là do nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa chú trọng đầu tư cải thiện môi trường làm việc; chưa tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động hoặc có tổ chức huấn luyện nhưng không đầy đủ nội dung, thời gian, chương trình theo quy định.
Dù các cấp, các ngành đã nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động đến người sử dụng lao động, người lao động theo ngành lĩnh vực quản lý có tăng nhưng vẫn chưa phủ khắp đến toàn bộ doanh nghiệp trong tỉnh.
Mặc dù Luật An toàn, vệ sinh lao động đã có quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động rất cao, tuy nhiên nhiều tổ chức công đoàn cơ sở chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trong công tác an toàn, vệ sinh lao động. Do đó, mạng lưới an toàn vệ sinh viên hoạt động dưới sự quản lý, hướng dẫn của Ban chấp hành công đoàn cơ sở chưa đạt hiệu quả cao; chưa tuyên truyền, kiểm soát hết các quy trình về an toàn lao động trong đơn vị.
Ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của một bộ phận người lao động còn hạn chế, thường xuyên vi phạm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động như không chấp hành nội quy an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, thao tác máy móc không đúng quy trình.
Số lượng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về pháp luật lao động nói chung, an toàn vệ sinh lao động nói riêng còn ít so với tổng số doanh nghiệp hiện có. Các biện pháp chế tài, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động còn thấp, chưa đủ tính răn đe.
Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận tổ trước Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai Khóa X, các đại biểu cho rằng tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2024 tăng đột biến (tăng 14 vụ, tăng 19 người chết).
Đại biểu đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm các quy định an toàn, vệ sinh lao động, trong đó có việc kiểm định các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; việc thực hiện trang bị các thiết bị bảo hộ cho người lao động; việc bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.