Đồng Nai: Hồ Trị An được quy hoạch để phát triển thành khu du lịch quốc gia

- Thứ Ba, 18/06/2024, 10:46 - Chia sẻ

Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, có 61 địa điểm phân bố tại 6 vùng du lịch nằm trong danh sách các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch Quốc gia. Trong đó có hồ Trị An rộng hơn 32.000ha của tỉnh Đồng Nai.

Hồ Trị An của Đồng Nai được quy hoạch để phát triển thành khu du lịch quốc gia
Hồ Trị An là hồ nhân tạo có diện tích hơn 32ha, lớn nhất cả nước. Ảnh: Văn Dũng

Hồ Trị An có diện tích hơn 32.000ha thuộc địa giới hành chính 4 huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất và Định Quán (tỉnh Đồng Nai); đây là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nằm ở vị trí thượng nguồn sông Đồng Nai.

Hồ Trị An không chỉ giữ vai trò là nguồn cung cấp nước cho người dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh mà còn có nhiều lợi thế để khai thác, phát triển du lịch.

Theo Quyết định số 509/QĐ-TTg của Chính phủ, các khu du lịch quốc gia sẽ được ưu tiên đầu tư đồng bộ và nâng cao chất lượng các khu du lịch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền công nhận. Đồng thời quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư cơ sở vật chất để thúc đẩy các địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Hồ Trị An của Đồng Nai được quy hoạch để phát triển thành khu du lịch quốc gia
Hồ Trị An không chỉ giữ vai trò là nguồn cung cấp nước cho người dân các tỉnh/thành phố lân cận mà còn có nhiều lợi thế để khai thác, phát triển du lịch. Ảnh: Văn Dũng

Đồng Nai nằm trong quy hoạch phát triển không gian du lịch Việt Nam thuộc vùng Đông Nam Bộ, với định hướng phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, các đô thị, tài nguyên du lịch biển đảo. Ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng vùng: du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE), du lịch đô thị gắn với công nghiệp văn hóa và kinh tế ban đêm, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo.

Cũng theo quyết định, vùng Đông Nam Bộ phải tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: Đồng Nai - Bình Dương; Bình Phước - Tây Ninh; Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, vùng Đông Nam Bộ liên kết với vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung theo hành lang du lịch Bắc - Nam phía Đông và phía Tây, liên kết với Campuchia theo hành lang du lịch Đông - Tây phía Nam.

Văn Dũng
#