Dự hội thảo có: Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; Trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Đỗ Hồng Vân; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Nguyễn Văn Cường; cùng lãnh đạo các ban Tổng Liên đoàn, các đại diện Liên đoàn lao động tỉnh, thành, công đoàn cơ sở…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, dự thảo Luật BHXH có nhiều nội dung liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người lao động. Quá trình tham gia xây dựng dự thảo luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ trì tổ chức và tham gia các hội thảo, nhiều ý kiến đã được Ban soạn thảo tiếp thu.
Tuy nhiên, quá trình tham gia, nghiên cứu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận thấy một số quy định trong dự thảo Luật BHXH chưa rõ ràng và cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm cho lao động nữ thực hiện quyền lợi của mình. Vì vậy, qua hội thảo này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn các ý kiến đóng góp của các đại biểu tập trung vào các nội dung liên quan trực tiếp đến quyền của lao động nữ như: quy định về chính sách thai sản, chính sách BHXH một lần, chế độ hưu trí… phân tích những quy định phù hợp, quy định cần thay đổi, chỉnh sửa, bổ sung.
Công đoàn cơ sở từ thực tiễn hoạt động nói lên tiếng nói người lao động về những bất cập, khó khăn trong quá trình tham gia bảo hiểm. Qua đó, đề xuất giải pháp tháo gỡ và triển khai hiệu quả Luật BHXH tới người lao động, hướng tới mục tiêu lớn hơn của quốc gia là bảo đảm một hệ thống BHXH hiện đại để thúc đẩy công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Đặc biệt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong rằng sẽ thu được những ý kiến chất lượng, thiết thực, trọng tâm, trọng điểm, là cơ sở để Tổng Liên đoàn đề xuất với Quốc hội ban hành các chính sách về BHXH phù hợp đối với lao động nữ trong thời gian tới - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Để các đại biểu tập trung thảo luận trực tiếp vào những vấn đề liên quan đến quyền của lao động nữ được quy định trong dự thảo luật cần được điều chỉnh, Phó Trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thu Phương gợi mở, định hướng các nội dung như: chế độ chăm sóc con ốm, thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng chế độ; chế độ thai sản (nghiên cứu quy định tăng số lần khám thai cho lao động nữ; tăng thời gian nghỉ của lao động nam khi vợ sinh con; tăng thời gian nghỉ thai sản cho người mẹ mang thai hộ; bảo đảm quyền lợi nghỉ thai sản cho người nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi khi không nghỉ việc…); chế độ thai sản dành cho đối tượng BHXH tự nguyện; chế độ hưởng BHXH 1 lần…
Tham luận tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện công đoàn cơ sở, đại diện người lao động đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, liên quan trực tiếp đến quyền lợi người lao động. Theo đó, các đại biểu kiến nghị cần bảo đảm vấn đề bình đẳng giới, tăng mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con đối với trường hợp BHXH tự nguyện; thực trạng việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần, khoảng cách giới trong thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, cần có những chính sách khác biệt để tạo điều kiện hỗ trợ nữ giới, nhằm rút ngắn khoảng cách trong thụ hưởng bảo hiểm xã hội giữa phụ nữ và nam giới; sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ con ốm đau; tăng số lần nghỉ khám thai; bổ sung thời gian nghỉ, mức trợ cấp khi lao động nữ mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền…
Làm rõ những ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật BHXH, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Nguyễn Văn Cường ghi nhận những kiến nghị, đóng góp thiết thực của các đại biểu. Đồng thời, làm rõ những thắc mắc của một số đại biểu về các vấn đề như: thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản; hình thức nghỉ dưỡng thai; mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con đối với trường hợp BHXH tự nguyện; tình trạng chậm, nợ đóng BHXH…
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu ghi nhận những đóng góp tâm huyết, giá trị từ thực tiễn công tác, nghiên cứu mang tính gợi ý sâu sắc, thiết thực góp ý vào dự thảo Luật BHXH. Đồng thời, nhấn mạnh một số đề xuất góp phần hoàn thiện dự thảo luật để bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, đặc biệt là lao động nữ.