Số hóa, kết nối dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính:

Đơn giản thủ tục, giảm bớt yêu cầu

- Thứ Sáu, 19/08/2022, 04:26 - Chia sẻ

Theo chia sẻ của các chuyên gia Pháp, số hóa kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính phải bảo đảm giảm bớt yêu cầu với người dùng cũng như sự phức tạp của thủ tục.

Mới17,8% hồ sơ được số hóa

Ngày 18.8, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính: Kinh nghiệm của Pháp và thực tiễn triển khai tại Việt Nam”.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành cho biết Văn phòng Chính phủ đang cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các chương trình, đề án như: Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính và đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước; tiếp tục xây dựng, phát triển Cổng Dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, hiện mới có khoảng 6,17% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng cho lần sau; 17,8% hồ sơ được số hóa, chủ yếu mới chỉ dừng ở mức chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử ở giai đoạn tiếp nhận hồ sơ, mà chưa thực hiện đầy đủ quy trình số hóa, chưa bảo đảm giá trị pháp lý của giấy tờ số hóa. Vì vậy, ông Thành cho rằng cần tiếp tục cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Bà Cécile Vigneau, Tham tán thứ nhất, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết Pháp rất mong muốn hỗ trợ các cơ quan của Việt Nam trong việc thực hiện dự án "Hiện đại hóa hành chính gắn kết với chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2023".  Để triển khai dự án, các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam cần tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu, cải thiện hơn nữa chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Giảm yêu cầu với người dùng

Chia sẻ kinh nghiệm số hóa các thủ tục hành chính của Pháp, chuyên gia Périca Sucevic nêu rõ, phương pháp số hóa phải đáp ứng các mục tiêu: bảo đảm hiệu quả và hiệu suất đối với cơ quan hành chính; quy trình xử lý thông tin đáng tin cậy hơn, nhanh hơn, ít tốn kém hơn; đơn giản hóa, giảm yêu cầu đối với người dùng và giảm sự phức tạp của thủ tục hành chính.

Một số nguyên tắc Pháp thực hiện là: đơn giản hóa, không số hóa một quá trình quá phức tạp hoặc dựa trên những cách làm mà không tính đến khía cạnh kỹ thuật số; trao đổi và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính trong việc triển khai các dịch vụ tới người dùng. Đồng thời, không thể số hóa toàn bộ, cần lựa chọn ưu tiên một số mục.

Theo chuyên gia Périca Sucevic, 20 năm qua, Pháp đã xác định tất cả các thủ tục trên cơ sở lấy người dùng làm trung tâm và đã hình thành hệ thống làm việc của mình để xác định danh sách 25 sự kiện cuộc đời cần ưu tiên cải thiện như: Chăm sóc sức khỏe/Bệnh viện; Chăm sóc sức khỏe/Bảo hiểm; Xin cấp giấy tờ tùy thân; Nhập học cho con; Chuyển chỗ ở/Thay đổi thông tin; Mất việc làm/Tìm việc làm; Nạn nhân của một vụ tội phạm; Thuê một người lao động tại nhà; Sắp nghỉ hưu/Nghỉ hưu; Người nước ngoài… Tất cả các sự kiện chính trong cuộc đời đều phải được đưa vào chỉ tiêu theo dõi định tính và định lượng do Nhà nước công bố.

Ngoài ra, Pháp thực hiện theo nguyên tắc Pareto: khuyến cáo dành 80% nỗ lực cho những gì được cho là "quan trọng" nhất theo thống kê. Không tự động hóa quy trình đối với các trường hợp số ít mà quản lý theo trường hợp ngoại lệ.

Cũng theo chia sẻ các chuyên gia Pháp, việc kết nối số giữa các bộ, ngành và địa phương rất quan trọng, nếu có một mắt xích yếu trong quá trình số hóa sẽ gây hại cho toàn bộ chuỗi xử lý số. Bởi việc “chuyển đổi số” sẽ còn kéo dài chừng nào vẫn còn sự tồn tại của giấy tờ trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính nên cần thiết lập một tầm nhìn chung và thống nhất về Chính phủ điện tử giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Vũ Quang