Nâng tỷ lệ bao phủ
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, Nghị quyết số 20/NQ-TW đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 tăng tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số và giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế còn 35%. Chính phủ cũng cam kết bảo đảm các nguồn kinh phí đủ để đạt được các mục tiêu đề ra của chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT tại Việt Nam ước đạt 87,4% dân số. Tỷ lệ đóng góp từ quỹ BHYT trong tổng chi y tế tăng qua các năm. BHYT đã đóng góp phần quan trọng trong tổng nguồn tài chính cho y tế, giúp người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế, từng bước bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, theo đại diện BHXH Việt Nam, hiện có tới 23 địa phương trong cả nước chưa đạt tỷ lệ bao phủ BHYT. Tình trạng này tập trung chủ yếu tại khu vực có ít đối tượng chính sách xã hội hoặc các khu vực có nền kinh tế chưa phát triển, những khu vực có nhiều đối tượng hộ gia đình và đối tượng lao động phi chính quy.
Xây dựng lộ trình rõ ràng khi sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế | Nguồn: ITN |
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra, đó là quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số hạn chế, bất cập; các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ, gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như còn thiếu những giải pháp mở rộng bao phủ BHYT cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là lao động tự do, buôn bán nhỏ di cư từ vùng nông thôn lên thành phố lớn mà chưa đăng ký tạm trú.
Một số chuyên gia đề xuất, sửa đổi Luật BHYT nên cân nhắc nâng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với đối tượng học sinh, sinh viên từ 30% hiện nay lên 50%. Bởi đây là đối tượng ít bị bệnh tật nhất, mức chi phí khám chữa bệnh cũng không cao như đối tượng khác. Ngoài ra, đối tượng hộ gia đình cận nghèo cũng nên được nâng mức hỗ trợ BHYT từ 70% lên 100%, vì trên thực tế có những hộ không có sổ hộ nghèo nhưng thực sự rất khó khăn, không có điều kiện để mua thẻ BHYT. Bên cạnh đó, Luật cũng nên thống nhất đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHYT ở nhóm người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; mở rộng đối tượng tham gia BHYT là thân nhân người lao động là công dân nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm đó, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Nguyễn Tất Thao đề xuất, cần phát triển đối tượng, thay đổi phương thức thu BHYT nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, để BHYT là công cụ hữu hiệu thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân theo định hướng công bằng và hiệu quả.
Bảo đảm cân đối quỹ
Sửa đổi Luật BHYT cần tuân theo các nguyên tắc chung, bao gồm: Sửa đổi toàn diện; tiếp tục khẳng định thực hiện BHYT toàn dân; mở rộng phạm vi chi trả để sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả, từng bước đa dạng hóa gói dịch vụ BHYT; cân bằng đóng hưởng, kiểm soát quỹ hợp lý và cần xây dựng một lộ trình rõ ràng. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên |
Cùng với việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT nhằm tăng tỷ lệ bao phủ, việc kiểm soát hợp lý quỹ BHXH cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Bởi theo BHXH Việt Nam, hiện có tới 60/63 tỉnh, thành phố vượt chi quỹ BHYT được sử dụng trong kỳ; 13 tỉnh ước bội chi quỹ trên 200 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách này là Nghệ An với 751,9 tỷ đồng; Thanh Hóa là 749,2 tỷ đồng; Quảng Nam là 486,5 tỷ đồng; Thái Bình với 350,3 tỷ đồng; Quảng Ninh là 341 tỷ đồng và Hà Nội 319,1 tỷ đồng.
Theo lý giải của cơ quan BHXH, việc gia tăng chi BHYT là do số cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng tăng, việc kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT còn nhiều khoảng trống. Đơn cử như qua giám định, xét duyệt và quyết toán khám, chữa bệnh BHYT hàng quý và rà soát số liệu đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh, cơ quan BHXH phát hiện còn một số cơ sở chưa thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng quỹ dẫn đến chi phí khám chữa bệnh tăng cao. Đồng thời, một số nơi còn tình trạng chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh rộng rãi, quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh; đề nghị thanh toán chi phí vật tư y tế còn thực trạng áp giá sai với giá thương thảo, giá trúng thầu; áp sai giá dịch vụ kỹ thuật, thống kê tổng hợp sai quy định, chênh lệch giữa đề nghị thanh toán dịch vụ kỹ thuật và báo cáo xuất nhập tồn vật tư - hóa chất...
Ðáng chú ý, một số người lợi dụng chính sách “thông tuyến” để đi khám nhiều lần trong ngày, trong tháng tại nhiều cơ sở y tế. Đáng nói là Luật BHYT chưa có biện pháp quản lý cũng như chế tài kiểm soát người đi khám chữa bệnh nhiều lần, nhiều nơi và việc chỉ định quá mức cần thiết dịch vụ y tế; thiếu cơ chế rõ ràng cho việc kiểm soát trách nhiệm đóng BHYT; thiếu sự bảo đảm an toàn, cân đối quỹ BHYT trong các năm do sự gia tăng giá dịch vụ y tế do yêu cầu tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Mặt khác, việc thiếu quy định cụ thể về tiêu chuẩn giám định viên BHYT cũng dẫn tới cơ sở khám chữa bệnh và bộ phận giám định BHYT thường xuyên có bất đồng trong việc chỉ định điều trị, đặc biệt là các chỉ định về cận lâm sàng. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nam Văn Tất Phẩm cho biết, trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, chưa thống nhất giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, nhất là các văn bản hướng dẫn thực hiện khám, chữa bệnh BHYT liên quan đến thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, nên giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH thường xuyên có vướng mắc, khó giải quyết.