Động lực thúc đẩy quan trọng
Tham luận tại Diễn đàn, TS. Phạm Thu Lan (Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: mọi công nhân, lao động đi làm đều quan tâm tới tiền lương, nhất là người có thu nhập thấp, thực tế cũng chứng minh tiền lương, thưởng, phúc lợi càng tốt thì động lực làm việc của người lao động càng cao. Qua gần 40 năm đổi mới, Chính phủ đã nỗ lực cải thiện tiền lương, đời sống, việc làm và thu nhập cho người lao động thông qua nhiều chính sách, biện pháp toàn diện. Việt Nam từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá đã trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người hơn 4.000 đô la Mỹ. Chế độ lương, thưởng, phúc lợi thỏa đáng chính là động lực quan trọng thúc đẩy nâng cao NSLĐ - đại biểu nhấn mạnh.
Cơ chế lương thưởng, đãi ngộ phù hợp với năng lực, thành tích đóng góp cũng là một trong những giải pháp giúp Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt NSLĐ năm 2023 theo doanh thu hơn 4,1 tỷ đồng/người/năm (gấp 20 lần so với NSLĐ cả nước). Tham luận tại diễn đàn, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Vũ Thị Mai cho biết: nhờ chính sách đặc thù về tiền lương, Viettel đã xây dựng hệ thống ngạch, bậc rõ ràng, có cơ chế trả lương thưởng tương xứng với năng lực, trách nhiệm và kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Tại các đơn vị kinh doanh mang tính cạnh tranh cao, Viettel áp dụng cơ chế khoán để kích thích cán bộ nhân viên tìm tòi, sáng tạo, nâng cao NSLĐ và được thưởng tương xứng theo giá trị tăng thêm. Trong ngành bán lẻ vốn gặp rất nhiều khó khăn từ đại dịch Covid-19, nhờ áp dụng cơ chế khoán, Tập đoàn vẫn có thể tiếp tục mở rộng hệ thống siêu thị, doanh thu trung bình trên một siêu thị tăng bình quân 10 - 20%/năm, thu nhập bình quân của người lao động cũng được tăng lên tương ứng.
Xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng
Từ thành công giai đoạn vừa qua, để tiếp tục tăng NSLĐ từ yếu tố lao động, TS. Phạm Thu Lan đề xuất Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu, xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, để tiền lương thực sự là động lực tăng NSLĐ; tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội với mục tiêu đến năm 2030 đạt 60% như kế hoạch; thúc đẩy bình đẳng giới về thu nhập bằng các biện pháp cụ thể để không chỉ bảo đảm tiền lương như nhau cho công việc như nhau, mà quan trọng hơn là bảo đảm tiền lương như nhau cho công việc có giá trị như nhau; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội đi kèm với cơ sở hạ tầng về trường học, bệnh viện và các tiện ích cơ bản khác để người lao động thu nhập thấp đạt được ước mơ sở hữu căn nhà riêng của mình trong những năm tới.
Cùng với đó, tổ chức công đoàn có vai trò quan trọng trong thương lượng tập thể với người sử dụng lao động về tiền lương, tiền thưởng, điều kiện làm việc tại nơi làm việc. Để thương lượng tập thể hiệu quả, với nhiều nội dung có lợi cho người lao động, rất cần sự thiện chí của người sử dụng lao động. Vì vậy, mong muốn Chính phủ chỉ đạo cộng đồng doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý về thiện chí của người sử dụng lao động, tạo điều kiện để thành lập tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động trong thương lượng, đặc biệt ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã bởi hiện nay, tỷ lệ thành lập công đoàn trong hai khu vực này chưa tới 10%.