Chủ động phát triển đối tượng mới
Về kết quả triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm 2022, Giám đốc BHXH thành phố Phan Văn Mến cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa phương chịu tác động rất lớn.
Theo đó, người lao động về quê ăn Tết chưa trở lại làm việc hoặc không trở lại làm việc do hiện nay các tỉnh phát triển các khu công nghiệp thu hút lực lượng lao động ở lại quê làm việc hoặc người lao động e ngại trở lại làm việc do tình hình dịch Covid-19 vẫn đang kéo dài nên số người tham gia BHXH bắt buộc chưa tăng đúng theo tiềm năng. Cùng với đó, một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như du lịch, khách sạn, vận tải… vẫn chưa phục hồi do ảnh hưởng của dịch bệnh. Số người tham gia BHYT học sinh, sinh viên giảm, nguyên nhân do học sinh, sinh viên một số trường Đại học vẫn còn học trực tuyến nên Nhà trường vẫn chưa thu được tiền và lập danh sách tham gia tiếp...
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời và hiệu quả, BHXH TP. Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai làm việc với đơn vị đẩy mạnh công tác phát triển số người tham gia, đôn đốc thu, thu nợ; cùng với đó là sự chung sức đồng lòng của toàn thể công chức, viên chức, người lao động, BHXH TP. Hồ Chí Minh đã phấn đấu đạt được kết quả khá toàn diện nhiệm vụ được giao.
Tính đến 31.3, toàn thành phố có 2.341.725 người tham gia BHXH bắt buộc; số người tham gia BHYT là 7.466.429 người, đạt 87,01% so với kế hoạch được giao, tăng 0,90% so với tháng trước. Tháng 4, số người tham gia BHXH bắt buộc là 2.371.725 người tăng 30.000 người; số người tham gia BHYT là 7.536.424 người, tăng 70.000 người, đạt 87,82% kế hoạch; 2.294.607 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Cần các giải pháp đột phá
Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo Giám đốc BHXH thành phố Phan Văn Mến, trong quá trình triển khai chính sách BHXH, BHYT, đơn vị vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như số người đề nghị hưởng BHXH một lần vẫn có chiều hướng gia tăng; tốc độ gia tăng người tham gia BHXH, BHYT còn chậm; tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng; tình trạng nợ đọng BHXH vẫn còn cao…
Tại buổi làm việc với BHXH TP. Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện thu, phát triển số người tham gia BHXH, BHYT mới đây, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đã đề nghị, BHXH TP. Hồ Chí Minh đưa ra các giải pháp đột phá để khắc phục những khó khăn. Trong đó nhấn mạnh, BHXH thành phố phải đẩy mạnh công tác phát triển số người tham gia, rà soát từng nhóm người tiềm năng có kinh tế ổn định; lập đoàn thanh tra, kiểm tra BHXH quận, huyện; xây dựng tọa đàm cho các doanh nghiệp về chính sách BHXH; phát triển đại lý thu...
Cùng với việc bảo đảm tốt công tác thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết và chi trả đúng chế độ cho người tham gia và thụ hưởng, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng cho rằng, BHXH TP. Hồ Chí Minh cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác truyền thông để làm sao tất cả mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận với chính sách BHXH, BHYT. Truyền thông đúng thời điểm, đúng mục đích, đa dạng đối tượng, có cách thức tiếp cận phù hợp, tạo niềm tin của người dân đối với chính sách an sinh xã hội.
Ngoài ra, theo Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ, BHXH Việt Nam Dương Văn Hào, BHXH TP. Hồ Chí Minh cần quyết liệt trong công tác thu và xử lý nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Về công tác phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình phải được đẩy mạnh hơn nữa: BHXH TP. Hồ Chí Minh cần nghiên cứu hình thức truyền thông; tổ chức hội nghị khách hàng; tổ chức tập huấn…