87 cuộc thành tra chuyên ngành
Theo báo cáo kết quả thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh trong tháng 10, toàn tỉnh đã thực hiện 87 cuộc thanh tra, kiểm tra; từ đầu năm đã thực hiện 453 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 76% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Trong đó, có 176 cuộc thanh tra chuyên ngành (59 cuộc đột xuất), 45 cuộc kiểm tra đơn vị sử dụng lao động, 20 cuộc kiểm tra cơ sở KCB, 66 cuộc kiểm tra đại lý, 9 cuộc kiểm tra nội bộ, 137 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành (2 cuộc đột xuất).
Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai phát biểu tại Hội nghị | Ảnh: Tiến Dũng |
Đặc biệt, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã yêu cầu thực hiện truy đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp đối với 180 lao động do chưa đóng, đóng thiếu mức quy định với số tiền trên 771,6 triệu đồng, kiến nghị thu hồi về quỹ BHXH với số tiền 372,3 triệu đồng, kiến nghị thu hồi về BHYT với số tiền 151,6 triệu đồng. Tổng số tiền sai phạm phải thu hồi về quỹ BHXH, BHYT, BHTN trong kỳ là 1.295,5 triệu đồng. Luỹ kế số phải thu từ đầu năm là 7.774,4 triệu đồng. Tổng số tiền đã thu hồi trong kỳ trên 209,6 triệu đồng, luỹ kế số đã thu hồi từ đầu năm trên 3.772,7 triệu đồng. Tổng số tiền còn phải thu hồi (bao gồm luỹ kế năm 2018) trên 4.001,7 triệu đồng.
Số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã nộp trong kỳ 104.473.124 đồng, luỹ kế từ đầu năm đã xử phạt 18 đơn vị với số tiền xử phạt 1.726.954.803 đồng, đã nộp trong kỳ số tiền 1.154.473.124 đồng, còn tiếp tục thu hồi 572.481.679 đồng (bao gồm luỹ kế năm 2018 chuyển qua). Thu hồi nợ đọng trong kỳ với tổng số tiền trên 3,2 tỷ đồng, luỹ kế từ đầu năm trên 215,7 tỷ đồng.
Khó khăn trong công tác chốt sổ
Tình trạng chậm nộp, nợ đọng, cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của một số doanh nghiệp trên địa bàn gây nhiều khó khăn cho công tác chốt sổ BHXH, giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động. |
Lý giải thêm về tình trạng chậm nộp, nợ đọng, cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của một số doanh nghiệp trên địa bàn. Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành chia sẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH, trong đó, một số doanh nghiệp gặp khó khăn do hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, chiếm dụng vốn, nợ chồng chéo… dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán; số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận, trả lương thưởng cho người lao động bình thường nhưng vẫn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động để sử dụng vào mục đích khác; ý thức về thượng tôn pháp luật của một số doanh nghiệp (chủ yếu ở khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ) chưa được chú trọng, còn tình trạng người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận, chủ động trốn đóng BHXH, đóng không đúng mức quy định, cũng như sự hiểu biết pháp luật của người lao động còn hạn chế, chưa đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (Công an tỉnh) Thượng tá Lê Văn Khuyện, cho biết, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, Luật BHYT sửa đổi năm 2014, Luật Việc làm năm 2013 thì việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN là nghĩa vụ của người lao động cũng như người sử dụng lao động. Khoản 1 Điều 186 Bộ luật Lao động khẳng định, “Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc, BHTN và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ Khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH cho người lao động từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng BHXH trước đó mà vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thủ đoạn gian dối có thể được hiểu là việc giả mạo các hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc sử dụng lao động hoặc cố tình khai báo không trung thực với cơ quan BHXH về nghĩa vụ đóng BHXH của người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm; thực hiện giao kèo, thỏa thuận trái pháp luật để ép hoặc yêu cầu người lao động không tham gia bảo hiểm để người sử dụng lao động trốn tránh việc đóng BHXH cho cơ quan chức năng theo quy định.