Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác truyền thông

- Thứ Bảy, 20/08/2022, 06:49 - Chia sẻ

Xác định công tác truyền thông là “chìa khóa” để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), thời gian qua, bên cạnh việc đổi mới đa dạng, linh hoạt về hình thức; công tác truyền thông chính sách về BHXH cũng chú trọng phát huy ưu thế của các phương pháp hiện đại, đa phương tiện trên các ứng dụng internet; bảo đảm người dân có thể tiếp cận kịp thời, dễ dàng mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT.

Đúng, trúng và đi trước một bước

Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông BHXH Việt Nam Nguyễn Hòa Bình cho biết, công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã và đang bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT; tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam. Các thông tin được thực hiện bảo đảm đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm theo từng thời kỳ, theo chủ đề, chủ điểm.

Qua đó, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật BHXH, BHTN, BHYT của người lao động, người sử dụng lao động; nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ việc đóng BHXH, BHTN, BHYT không chỉ là nghĩa vụ mà còn là yếu tố quan trọng để nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Trong năm 2021 và 7 tháng năm 2022, công tác truyền thông được triển khai sâu rộng, hiệu quả đã tạo sự đồng thuận trong việc xây dựng và thực hiện chính sách BHXH, BHYT; ngày càng gắn với công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời, là kênh hữu hiệu để tiếp nhận những thông tin phản hồi của các chủ thể tham gia BHXH, BHYT về hiệu quả thực thi chính sách, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đề xuất những giải pháp điều chỉnh, xây dựng chính sách ngày càng hoàn thiện.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thực tế. Cụ thể, tại một số nơi, một số thời điểm, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa có sự chỉ đạo toàn diện, quyết liệt cho nên hiệu quả tuyên truyền BHXH, BHTN, BHYT chưa sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Việc tổ chức các hình thức truyền thông trực tiếp với số lượng người tham gia đông gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vì vậy, phải chuyển sang hình thức truyền thông trực tuyến, dẫn đến chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Chính sách BHXH tự nguyện hiện nay chưa thực sự hấp dẫn người tham gia, đặc biệt là việc điều chỉnh tăng mức tối thiểu đóng BHXH tự nguyện từ 1.1.2022 đã ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả truyền thông phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.

Buổi làm việc của Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường với Trung tâm Truyền thông ngày 18.8
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường làm việc với Trung tâm Truyền thông ngày 18.8
Nguồn: ITN

Đổi mới trong bối cảnh số hóa

Ghi nhận những kết quả đạt được và để phát huy tốt hiệu quả công tác truyền thông trong thời gian tới, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH yêu cầu Trung tâm Truyền thông tiếp tục đổi mới các hoạt động truyền thông trong bối cảnh số hóa. Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Theo đó, Trung tâm Truyền thông cần thích ứng với xu hướng, có sự bứt phá trong triển khai thực hiện các chương trình phối hợp truyền thông với các bộ, ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương. Các hoạt động phối hợp truyền thông bảo đảm phù hợp với từng nhóm chủ thể tham gia; chú trọng truyền thông về những câu chuyện, con người thực tế trong đời sống hàng ngày để làm nổi bật lên giá trị, lợi ích khi tham gia BHXH, BHTN, BHYT. Nội dung tuyên truyền cần bảo đảm kịp thời, chính xác, ngắn gọn, rõ ràng, ngôn ngữ biểu đạt phù hợp với nhận thức của người dân mang lại hiệu quả thiết thực và phù hợp. Đồng thời, hàng năm phải có đánh giá kết quả trong công tác phối hợp truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Bên cạnh đó, với nền tảng sẵn có, cần phát triển kênh truyền hình riêng về chính sách an sinh xã hội của ngành BHXH; phân loại các nhóm đối tượng trong truyền thông để khai thác triệt để nền tảng công nghệ số quốc gia. Đồng thời, tận dụng tối đa lợi ích của Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam và các kênh truyền thông mạng xã hội của ngành để đa dạng hóa các hình thức truyền thông chính sách, pháp luật trên môi trường mạng xã hội.

Đặc biệt, các hình thức truyền thông phải triển khai đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm dân cư, văn hóa vùng, miền tại địa phương. Chú trọng triển khai các hình thức truyền thông trực tuyến trên môi trường Internet, truyền thông nhóm nhỏ, truyền thông trên hệ thống truyền thanh cơ sở về các nội dung bảo đảm quyền lợi tối đa cho người tham gia.

Với tinh thần cầu thị lắng nghe, tiếp thu ý kiến chỉ đạo, đại diện Trung tâm Truyền thông khẳng định, sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông để chính sách BHXH, BHYT ngày càng đi vào cuộc sống.

Hải Yến