Tỷ lệ bao phủ BHYT vượt chỉ tiêu
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, mặc dù Luật BHYT cũng như các quy định pháp luật liên quan đã được ban hành đầy đủ nhưng qua thực tiễn vẫn còn thiếu chế tài cụ thể với đối tượng tự đóng, hỗ trợ đóng BHYT. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên một số doanh nghiệp phải tạm dừng hợp đồng lao động dẫn đến người lao động không được tham gia BHYT.
Cùng với đó, quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả vẫn chưa rõ về khái niệm, không thể hiện rõ tính chất của gói dịch vụ y tế cơ bản phải đặt trong sự cân đối về phạm vi quyền lợi và khả năng chi trả của Quỹ BHYT. Trong khi đó, Luật BHYT vẫn có các quy định về phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT; đồng thời quy định Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Trên cơ sở dữ liệu tham gia BHXH, BHYT tập trung, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai các dịch vụ tra cứu quá trình tham gia BHXH, BHYT và thông tin thẻ BHYT. Đặc biệt, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối, liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH với gần 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc, chất lượng liên thông dữ liệu được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Năm 2020, đã tiếp nhận dữ liệu của 167,8 triệu lượt khám, chữa bệnh; tỷ lệ liên thông đạt 97,56%; tỷ lệ hồ sơ đúng ngày ra viện đạt 92,6%...
Bảo đảm quyền lợi người tham gia
Tại cuộc họp, Thường trực Ủy ban Xã hội và các đại biểu đánh giá cao việc Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13, trong đó một số chỉ tiêu đạt tốt so với yêu cầu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt; hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, chất lượng chuyên môn khám, chữa bệnh tuyến dưới còn hạn chế. Một số đại biểu cũng đề nghị có giải pháp xử lý tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT đang gia tăng ở nhiều địa phương.
Các đại biểu cũng lo ngại nguy cơ mất cân đối quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Cụ thể, trong khi số lượt khám, chữa bệnh BHYT tăng thì nguồn Quỹ BHYT tăng không tương ứng, dẫn đến thiếu kinh phí cho công tác khám, chữa bệnh. Mức đóng BHYT không tăng tương ứng với mức tăng giá dịch vụ kỹ thuật và nhu cầu khám, chữa bệnh, dẫn đến nguy cơ mất cân đối quỹ. Đặc biệt, hiện 59% đối tượng tham gia BHYT được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng theo mức lương cơ sở, nên số thu vào quỹ thấp, ảnh hưởng đến cân đối thu - chi Quỹ BHYT.
Làm rõ một số vấn đề các đại biểu nêu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn thông tin, theo Nghị quyết số 68 thì hiện nay còn 3 chỉ tiêu đề nghị điều chỉnh nhằm tạo điều kiện cho BHXH Việt Nam thực hiện chính sách. Từ năm 2021, BHXH Việt Nam gặp thách thức trong việc phát triển BHYT bền vững, không phải khó khăn trong vấn đề bao phủ BHYT; do đó đòi hỏi những chế tài cụ thể để thu hút sự tham gia của người dân. Quốc hội sửa đổi Luật BHYT để đáp ứng các mục tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT cũng như quyền lợi về chăm sóc sức khỏe; kiểm soát chi phí; rút ngắn thời gian thẩm định vượt quỹ khám, chữa bệnh BHYT hàng năm của các địa phương cho phù hợp.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tất cả ý kiến tại cuộc họp về cơ bản đã được BHXH Việt Nam và Bộ Y tế giải trình làm rõ. Tuy nhiên, có một số vấn đề sẽ cần báo cáo thêm, nhất là chưa có báo cáo chính thức của Chính phủ. Vì vậy, các ý kiến thảo luận có thể đưa vào báo cáo giải trình và báo cáo của Chính phủ sắp tới, để tiến tới có Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 68. Đây là lần đầu tiên Quốc hội nghe và thảo luận về nội dung này. Tuy nhiên, cần chuẩn bị “hình hài” dự thảo Nghị quyết về chỉ tiêu bao phủ BHYT. Nếu không có Nghị quyết thay thế, thì cũng có Nghị quyết liên quan đến BHYT trong Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.