Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

- Thứ Sáu, 31/03/2023, 21:09 - Chia sẻ

Ngày 31.3, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) phối hợp với Hanoi Grapevine và ViCHI tổ chức Workshop đánh giá cuối kỳ dự án "Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam".

Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam -0
Workshop đánh giá cuối kỳ dự án "Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam"

Phát biểu đề dẫn, Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có những thay đổi tích cực, nhanh nhạy trong việc hình thành khung thể chế, chính sách; góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Trong bối cảnh này, các cơ chế, chính sách cũng được đẩy mạnh để khai thác quyền sở hữu trí tuệ; tác động đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có sự tăng trưởng các ngành công nghiệp văn hóa.

Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã ý thức rõ vai trò, tầm quan trọng liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa, từ đó có nhiều hoạt động nghiên cứu thiết thực. Đến năm 2020, Viện đã đề xuất dự án "Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam" và nhận được sự hỗ trợ của Quỹ quốc tế vì Đa dạng Văn hóa của UNESCO nhằm nâng cao năng lực thể chế trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa sáng tạo cho cán bộ quản lý nhà nước, các cấp ngành, các nghệ sĩ,...

Vào giai đoạn năm 2020 - 2021, Việt Nam đối diện với tác động của dịch bệnh khiến quá trình triển khai dự án phải nhiều lần gia hạn. Tuy nhiên, từ tháng 3.2022 - 3.2023, các hoạt động của dự án đã được triển khai tích cực, được đông đảo cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, nghệ sĩ thực hành văn hóa hưởng ứng. Đặc biệt, dự án nhận nhiều sự quan tâm từ thế hệ trẻ - những người nhận thức rõ nhất các ngành công nghiệp văn hóa chỉ có thể phát triển khi được đảm bảo thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Trình bày về Dự án SIPE, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, dự án có ba mục tiêu cụ thể: Đánh giá tổng quan thực trạng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam để xây dựng nhận thức chung và hiểu biết thực tiễn khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ cho các ngành văn hóa và sáng tạo; Nâng cao năng lực thể chế trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các lĩnh vực văn hóa sáng tạo thông qua một chuỗi các khóa đào tạo dành cho cán bộ nhà nước các cấp, các ngành liên quan; Đẩy mạnh, nâng cao nhận thức và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo tại Việt Nam thông qua các khóa đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ dành cho các nghệ sĩ và người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo.

bà.jpg -0
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà trình bày về Dự án SIPE

Đến nay, Dự án SIPE đã đạt được 2 kết quả cụ thể: Tăng cường năng lực cho cán bộ nhà nước phụ trách lĩnh vực sở hữu trí tuệ và tăng cường năng lực cho nghệ sỹ và người thực hành về sở hữu trí tuệ. Song song đó là triển khai một loạt các hoạt động gồm nghiên cứu đánh giá, hội thảo, tập huấn và workshop… nhằm cải thiện việc bảo vệ và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Dự án "Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam" (SIPE)  đang được phối hợp thực hiện bởi Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) từ tháng 3.2022 - 3.2023. Dự án cũng nhận được sự hỗ trợ của Quỹ quốc tế vì Đa dạng Văn hóa của UNESCO.

Trang Nhung
#