Hầu hết mới ở giai đoạn sơ khai
Không gian ngầm thành phố là nguồn tài nguyên không gian và không thể thiếu trong đô thị hiện đại. Nó đã và đang được khai thác sử dụng cho các công năng như: giao thông (hầm đi bộ, hệ thống hầm tàu điện ngầm, hầm xe cơ giới, hầm đường sắt, bãi đỗ xe ngầm, bến xe ngầm công cộng...); công cộng vui chơi giải trí (khu thương mại ngầm, khu vui chơi giải trí thể thao ngầm…); hạ tầng kỹ thuật ngầm (đường dây đường ống ngầm, hầm hào kỹ thuật ngầm, trạm điện ngầm, trạm xử lý nước thải ngầm, trạm cung cấp khí đốt, trạm cung cấp nhiệt…); phòng chống thiên tai, chiến tranh (công trình trú ẩn ngầm, công trình phòng không ngầm, bệnh viện ngầm, công trình ngầm tránh cháy nổ hỏa hoạn…)...

Tại các thành phố lớn trên thế giới, không gian ngầm đã được khai thác, lợi dụng vào nhiều công năng, thường được chia thành 4 giai đoạn.
Giai đoạn sơ khai, loại hình công trình ngầm thường bao gồm hầm chui, hầm đi bộ, tầng hầm nhà cao tầng, công trình ngầm dân phòng, kho ngầm… Đặc trưng giai đoạn này là xây dựng các công trình ngầm đơn lẻ, quy mô nhỏ, phân bố dạng điểm.
Giai đoạn quy mô hóa, loại hình công trình ngầm thường bao gồm khu thương mại ngầm, khu vui chơi giải trí ngầm, khu thể thao ngầm, bãi đỗ xe ngầm, nhà máy ngầm, công trình ngầm an ninh quốc phòng... Đặc trưng giai đoạn này là xây dựng các công trình ngầm trọng điểm, phát triển mở rộng điểm tập trung không gian ngầm.
Giai đoạn mạng hóa, loại hình không gian ngầm thường bao gồm hầm xe cơ giới, hệ thống hầm tàu điện ngầm, hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm, hệ thống vận chuyển hàng hóa ngầm; đặc trưng là xây dựng, kéo dài công trình ngầm dạng tuyến.
Giai đoạn hoàn chỉnh, loại hình không gian ngầm thường bao gồm hoàn thiện và hiện đại hóa các hệ thống công trình ngầm, đấu nối liên kết các loại hình hệ thống không gian ngầm, xây dựng không gian ngầm ở độ sâu lớn… Đặc trưng giai đoạn này là hoàn thiện xây dựng các hệ thống không gian ngầm, hoàn thiện mở rộng không gian thứ 3 trong không gian 3 chiều của thành phố (các công trình cao tầng trên mặt đất, mở rộng thành phố theo phương ngang, mở rộng thành phố dưới mặt đất).
Hiện, nhiều thành phố lớn trên thế giới đã ở vào “giai đoạn hoàn chỉnh” với các mức độ khác nhau; tại Việt Nam, các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước những thách thức về quỹ đất hạn hẹp, dân số tăng nhanh, giao thông ùn tắc, kinh tế - xã hội đã phát triển đến mức có nhiều nhu cầu sử dụng các công năng không gian ngầm. Tuy nhiên, việc khai thác, lợi dụng và phát triển không gian ngầm còn rất hạn chế; phổ biến nhất là công năng như hầm nhà cao tầng, hầm đi bộ, hầm chui, hạ tầng kỹ thuật ngầm chưa nhiều. Hệ thống hầm tàu điện ngầm mới hoàn thành tuyến số 1 tại TP. Hồ Chí Minh. Như vậy, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mới đang ở giai đoạn quy mô hóa không gian ngầm, nhưng cũng còn nhiều hạn chế về công năng, chủng loại, số lượng so với nhu cầu. Ở các đô thị còn lại, việc khai thác, lợi dụng phát triển không gian ngầm hiện chỉ ở giai đoạn sơ khai.
Nguyên nhân bởi hành lang pháp lý cho không gian ngầm chưa hoàn thiện, thiếu các hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy định, quy chuẩn, quy phạm; chậm về quy hoạch và thực hiện quy hoạch; cơ chế chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng thu hồi đất còn nhiều bất cập, bên cạnh đó là thiếu vốn đầu tư, thiếu nguôn nhân lực có trình độ chuyên môn về khai thác, sử dụng, phát triển không gian ngầm thành phố.
Ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách về không gian ngầm
Phát triển không gian ngầm thành phố là yêu cầu tất yếu. Với đặc điểm của không gian ngầm là chi phí xây dựng cao, thời gian sử dụng lâu dài, không dễ sửa chữa, không dễ dỡ bỏ, muốn phát triển không gian này một cách bền vững, cần tập trung vào các giải pháp sau.
Trước hết, cần ưu tiên nhanh chóng hoàn thiện thể chế chính sách, xây dựng pháp luật về khai thác phát triển không gian ngầm, bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch... Ban hành các văn bản về quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến quy hoạch, thi công, khai thác sử dụng không gian ngầm. Xây dựng các quy định về cơ chế tài chính để tạo kinh phí duy trì, duy tu vận hành, đặc biệt với các khu vực không gian ngầm công cộng. Quy định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi cùng khai thác không gian ngầm thành phố; xây dựng cơ chế chính sách, quy định về bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng thu hồi đất một cách thỏa đáng…
Bộ Xây dựng đang trong quá trình nghiên cứu để xây dựng luật về không gian ngầm; tiến độ xây dựng cần đẩy nhanh để sớm có luật chuyên ngành, làm cơ sở pháp lý cho không gian ngầm phát triển. Chính phủ cũng cần nhanh chóng thành lập các nhóm chuyên gia biên soạn ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định, quy chuẩn, quy phạm liên quan đến công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng, sử dụng vận hành, phát triển không gian ngầm thành phố; xây dựng cơ sở dữ liệu công trình xây dựng ngầm thành phố.
Cùng với đó, phải quan tâm tới công tác quy hoạch không gian ngầm. Hiện nay mới chỉ có TP. Hà Nội đã phê duyệt “Đồ án quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhưng phạm vi còn hạn chế. Tại các thành phố lớn khác vẫn chưa quy hoạch hoặc chưa phê duyệt quy hoạch không gian ngầm.
Một điểm quan trọng nữa là cần tập trung ưu tiên nguồn lực, khuyến khích đầu tư tư nhân tham gia xây dựng các công trình, hệ thống công trình ngầm cốt lõi, các công trình ngầm tại vị trí trung tâm, trọng điểm và mở rộng dần. Có kế hoạch xây dựng các không gian ngầm đã được quy hoạch tương ứng với thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Ưu tiên lựa chọn giải pháp công nghệ thi công ngầm hiện đại, hạn chế sử dụng phương pháp thi công lộ thiên để tránh gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng môi trường, tiếng ồn. Đồng thời, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao về lĩnh vực khai thác, sử dụng, phát triển không gian ngầm thành phố.
Thế nào là đất xây dựng công trình ngầm?
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dành một điều quy định về đất xây dựng công trình ngầm. Theo Điều 124, đất xây dựng công trình ngầm bao gồm đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm và không gian dưới lòng đất để xây dựng công trình trong lòng đất mà công trình này không phải là phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất.
Người sử dụng đất theo quy định của Luật này được chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại không gian dưới lòng đất theo quy định của pháp luật khi được Nhà nước xác định theo pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về kiến trúc. Dự thảo Luật cũng quy định các yêu cầu sử dụng đất xây dựng công trình ngầm.Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá, nghiên cứu kỹ hơn về các nội dung liên quan đến không gian sử dụng đất, đất xây dựng công trình ngầm, đất xây dựng công trình trên không và đưa ra các luận cứ khoa học, báo cáo chi tiết về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý và triển khai hiện nay để từ đó xác định giải pháp hợp lý.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, rà soát lại các quy định cho thống nhất, có sự liên kết với các luật khác như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng… và phù hợp với Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030 và Nghị quyết số 18-NQ/TW, để khai thác và quản lý có hiệu quả, chặt chẽ tài nguyên đặc biệt của quốc gia. Để bảo đảm tính lâu dài của Luật, các quy định cần phải được xem xét thấu đáo, đi trước đón đầu các vấn đề có thể phát sinh trong tương lai. "Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc sửa đổi các điều, khoản tương ứng trong các văn bản pháp luật về xây dựng, quy hoạch đô thị, kiến trúc để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật", Ủy ban Kinh tế yêu cầu.
PV