Chấm dứt quấy rối trẻ em gái – cần sự đồng lòng lên tiếng

- Thứ Sáu, 25/11/2022, 11:18 - Chia sẻ

Những người chứng kiến phụ nữ và trẻ em bị quấy rối có thể lên tiếng bằng hành động hoặc lời nói. Cần cho thấy rằng mình sẽ đứng về phía nạn nhân và mình sẽ là người bảo vệ nạn nhân. Không nên sợ hãi và cần hiểu rằng dù thủ phạm có đáng sợ đến đâu thì khi có nhiều người đồng lòng và cùng lên tiếng, cái xấu sẽ trở nên yếu thế. Đây là ý kiến được nêu ra tại Tọa đàm “Tôi lên tiếng – chấm dứt quấy rối” do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội và Tổ chức Plan International phối hợp tổ chức.

Im lặng dung túng cho quấy rối tình dục

Quấy rối tình dục với phụ nữ, em gái, cộng đồng đa dạng giới và xu hướng tính dục (LGBTIQ+), đặc biệt nơi công cộng không phải là vấn đề mới, nhưng chưa bao giờ bị coi là vấn đề cũ, thậm chí còn có xu hướng gia tăng với nhiều hình thức phức tạp. Buổi talkshow được thực hiện với mong muốn trở thành một phần của giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đóng góp cho việc lên tiếng chấm dứt quấy rối tình dục phụ nữ, trẻ em gái và cộng đồng LGBT.

Khi bị quấy rối, xâm hại, trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, sức khỏe sau này 

Theo báo cáo “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái: Nơi giấc mơ thành sự thật”, phần lớn người bị hại khi phải đối mặt với tình huống bị quấy rối tình dục hoàn toàn bị động và những người chứng kiến hoàn toàn thờ ơ: 66% phụ nữ và trẻ em gái được phỏng vấn không có bất kỳ hành động phản ứng nào và 65% nam giới và người chứng kiến không hề có các hành động can thiệp. 34% phụ nữ có chung suy nghĩ rằng việc khai báo với công an về các hành vi quấy rối cũng không mang lại thay đổi gì.

Lý giải cho sự im lặng này, ông Nguyễn Đức Nam, Giám đốc Công ty Tham vấn, Nghiên cứu và Tâm lý học cuộc sống cho biết: “Ở góc độ nạn nhân, khi bị quấy rối tình dục thường sẽ hoảng loạn, lo sợ dẫn đến không biết phải xử lý thế nào. Thêm vào đó, những định kiến về giới vẫn còn tồn tại như đổ lỗi cho nạn nhân, hay tư duy giữ im lặng để bảo vệ danh dự khiến cho nạn nhân e dè, không dám lên tiếng vì không biết liệu khi lên tiếng sẽ có ai giúp đỡ, hỗ trợ mình không.

Ở góc độ người chứng kiến, nguyên nhân chính là cùng chung nỗi sợ: sợ bị trả thù, sợ không có ai cùng lên tiếng, sợ chỉ có 1 mình đơn độc giúp đỡ nạn nhân, hoặc đôi khi cho rằng “có rất nhiều người khác sẽ giúp đỡ nạn nhân, nên mình không cần phải làm điều này” – ông Nam nói.

Thực tế, việc giữ im lặng của những người chứng kiến là một thực hành vô cùng có hại khi đang vô tình dung túng cho những hành vi sai trái, thủ phạm vẫn ngoài vòng công lý, điều này khiến cho những sự việc quấy rối tình dục càng trở nên phổ biến và diễn ra thường xuyên hơn. Nghiêm trọng hơn, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, cộng đồng LGBTIQ+ đã trở thành một vấn đề bình thường và được chấp nhận bởi đại bộ phận xã hội.

Sự giúp đỡ, hỗ trợ đúng thời điểm giúp nạn nhân giảm bớt sợ hãi

Theo bà Trần Vân Anh - Giám đốc Chương trình MSD cho biết: bảo vệ phụ nữ, thanh thiếu niên, trẻ em gái, cộng đồng đa dạng giới và xu hướng tính dục khỏi nguy cơ bị quấy rối tình dục ở những nơi công cộng cũng chính là bảo vệ phẩm giá, quyền tự do và quyền tự do di chuyển của họ, cũng như quyền được toàn vẹn về thể chất và tinh thần. Mọi hình thức quấy rối tình dục đều không thể chấp nhận và không thể dung túng. Do đó, cần huy động sự tham gia tích cực từ các nhóm thanh, thiếu niên bằng cách nâng cao nhận thức, năng lực của các em về các vấn đề liên quan như vận động chính sách có chuyển biến giới, truyền thông xã hội về bình đẳng giới… từ đó đồng hành và trao quyền để các em có thể thực hiện các sáng kiến do các em khởi xướng. Khi chúng ta đồng lòng lên tiếng, đoàn kết – hợp tác và nỗi lực hành động, mọi hành động quấy rối dù ở đâu, dưới hình thức nào đều sẽ phải chấm dứt” – bà Vân Anh nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Nam chia sẻ nguyên tắc 3 bước xử lý bất cứ ai cũng có thể áp dụng khi không may trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục: Một là, nói không: thể hiện bằng lời nói, hành động dứt khoát bày tỏ sự không mong muốn, không đồng thuận. Hai là, bỏ đi, nhanh chóng rời khỏi hiện trường, địa điểm xảy ra quấy rối. Ba là, kể lại, chia sẻ với người mình tin tưởng để được hỗ trợ, giúp đỡ hoặc trình báo với các cơ quan có thẩm quyền.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa), bày tỏ lo ngại với số vụ cưỡng dâm, dâm ô với trẻ em có xu hướng gia tăng. Đáng lưu ý, một số vụ xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, xử lý. Đây là những vấn đề bức xúc trong dư luận, bởi hậu quả gây ra cho các em rất nghiêm trọng, từ tính mạng, sức khỏe đến nhân phẩm, lâu dài hơn ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của các em.

Đồng thời, những người chứng kiến cũng cần trang bị những kĩ năng, cách thức để có thể hỗ trợ nạn nhân. Người chứng kiến có thể lên tiếng bằng hành động hoặc lời nói, thể hiện cho họ thấy rằng mình không đồng ý với hành động đó. Cần cho thấy rằng mình sẽ đứng về phía nạn nhân và mình sẽ là người bảo vệ nạn nhân. Không nên sợ hãi và cần hiểu rằng dù thủ phạm có đáng sợ đến đâu thì khi có nhiều người đồng lòng và cùng lên tiếng, cái xấu sẽ trở nên yếu thế - ông Nam nói.

Bên cạnh đó, người chứng kiến có thể hỗ trợ nạn nhân ổn định tâm lý bằng một số hành động đơn giản như: lắng nghe câu chuyện mà không cần hỏi quá nhiều; khuyến khích để họ chia sẻ câu chuyện của mình và tìm sự trợ giúp từ người thân, chính quyền và các tổ chức xã hội. Một sự giúp đỡ, hỗ trợ đúng thời điểm sẽ tiếp thêm sức mạnh để nạn nhân giảm bớt sợ hãi, tự tin và góp phần đẩy lùi các hành vi quấy rối.

Lê Hùng
#