Xây dựng Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Cần có cách tiếp cận hệ thống, tổng thể, đa chiều

- Thứ Năm, 01/12/2022, 05:36 - Chia sẻ

Để xây dựng thành công hệ giá trị văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới phải xác định được đúng đắn, xác đáng hệ giá trị mới, trên cơ sở khoa học và thực tiễn khách quan, tránh chủ quan, hô hào suông, “xây” phải kết hợp với “chống”. Đây là nội dung được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại Hội thảo quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức nhằm nhìn lại kết quả 1 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

Xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam là rất cấp thiết

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, hệ giá trị văn hóa hình thành trong tư duy của con người, thể hiện ra bằng triết lý, chuẩn mực, phương châm sống và có chức năng cơ bản là định hướng, đánh giá, điều chỉnh hành vi cũng như những quan hệ xã hội, theo đó hệ giá trị là một hệ thống phức tạp của những chiều tương tác, quan hệ, tác động, ảnh hưởng, du nhập, giao lưu… Trong bối cảnh xã hội đương đại với sự gia tăng của toàn cầu hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, hệ giá trị văn hóa ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp với sự cùng tồn tại của hệ giá trị truyền thống, hệ giá trị mới, hệ giá trị phổ quát, hệ giá trị đặc thù, hệ giá trị cốt lõi, hệ giá trị phái sinh… Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, xung đột giá trị, thậm chí khủng hoảng giá trị, “sốc” giá trị cũng đã xảy ra càng làm gia tăng thêm tính phức tạp nhưng cũng làm lộ rõ sự cần thiết nhìn nhận lại việc xây dựng hệ giá trị văn hóa thời kỳ mới.

Cần có cách tiếp cận hệ thống, tổng thể, đa chiều
Toàn cảnh Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” ngày 29.11

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn cũng nêu rõ, hệ giá trị đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển văn hóa, xây dựng con người. Việc xác định hệ giá trị Việt Nam, dù là một việc làm vô cùng khó khăn, nhưng vẫn phải thực hiện. Hệ giá trị được xem là những định hướng lớn cho sự phát triển con người và dân tộc Việt Nam. Nhờ có những định hướng lớn này, có thể huy động sự tập trung, thống nhất, đoàn kết, từ đó, giúp dân tộc ta đạt thắng lợi một cách thuận lợi hơn. Nhờ có định hướng giá trị mới có thể điều tiết được sự năng động, đa dạng của xã hội.

Hiện nay, trong bối cảnh đất nước ta đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đang có những tác động lớn lao tới hệ giá trị con người Việt Nam. Bên cạnh những giá trị tốt đẹp tiếp tục được củng cố và phát huy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, đã có không ít biểu hiện “lệch chuẩn”, hành vi “phản giá trị”, ứng xử vô văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống. Do vậy, vấn đề xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay đang đặt ra vô cùng cấp thiết.

“Xây” phải kết hợp với “chống”

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24.11.2021 tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng… Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm”.

Và trong 6 nhiệm vụ trọng tâm nêu tại Hội nghị, ở nhiệm vụ trọng tâm thứ hai, Tổng Bí thư nêu rõ: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Để xây dựng thành công hệ giá trị văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới, các đại biểu cho rằng, phải xác định được đúng đắn, xác đáng hệ giá trị mới, trên cơ sở khoa học và thực tiễn khách quan, tránh chủ quan, hô hào "suông". Điều đó đòi hỏi một cách tiếp cận hệ thống, tổng thể, đa chiều, vừa có được sự đồng thuận cao trong giới nghiên cứu khoa học và các nhà lãnh đạo, vừa được đông đảo các tầng lớp Nhân dân ủng hộ và thực hiện.

Bên cạnh đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn kiến nghị, do văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, tồn tại trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nên việc hoàn thiện thể chế, chính sách chính là cách chúng ta đưa hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn bộ xã hội. Có những thể chế, chính sách trực tiếp tác động đến việc hình thành và phổ biến của giá trị văn hóa; có những thể chế, chính sách tác động gián tiếp nhưng có tầm quan trọng không nhỏ đối với việc vận hành của các giá trị văn hóa. Cụ thể hơn, hoàn thiện thể chế, chính sách để xây dựng hệ giá trị văn hóa phải tiến hành đồng thời với đổi mới phương thức lãnh đạo văn hóa, đổi mới tư duy quản lý văn hóa; từng bước xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mới theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hệ thống thể chế, đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng chủ chốt, phát triển nguồn nhân lực bậc cao, tổ chức một số hoạt động và sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia.

GS.TS. Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc “xây”, phải kết hợp với “chống”. Cùng với việc xây dựng, củng cố các hệ giá trị bằng biện pháp khuyến khích, giáo dục ý thức tự giác, cần phát huy vai trò của pháp luật, xử phạt nghiêm minh, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, quản lý xã hội bằng luật pháp. Khi tất cả đều sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, không ai được đứng trên, đứng ngoài pháp luật, thì các giá trị dân chủ, công bằng, văn minh, quốc gia phồn vinh, hạnh phúc mới có cơ hội thực hiện. Do vậy, rất cần xây dựng một nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính. “Cùng với đó là cần sự đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý và điều hành đất nước trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, vì tất cả những điều đó đều có ảnh hưởng trực tiếp tới các hệ giá trị”, GS.TS. Từ Thị Loan nói.

Minh Trang