Cảm thương hoàn cảnh của người thương binh nặng và con gái tật nguyền

- Thứ Ba, 23/07/2024, 15:13 - Chia sẻ

Năm 2025, đất nước ta sẽ Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30.4 (1975 - 2025). Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng hậu quả của nó thì vẫn còn dai dẳng đối với nhiều người lính một thời xung trận và gia đình họ...

Hướng tới Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 (1947 - 2024), những ngày trung tuần tháng 7, chúng tôi cùng ông Lương Liễm - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) đến thăm gia đình Thương binh hạng 2/4, nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phạm Văn Hẹn (ở khu Đường Ngang, phường Cộng Hòa) - một cựu chiến binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Cộng Hòa Nguyễn Minh Hoan, trên địa bàn phường hiện có 16 thương binh, 8 bệnh binh, 8 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, thì gia đình Thương binh Phạm Văn Hẹn có hoàn cảnh khó khăn nhất. Năm 2023 chính quyền và các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm trên địa bàn thị xã Quảng Yên, bà con trong dòng họ quyên góp xây dựng và hoàn thành cho bố con ông một ngôi nhà ống, diện tích khoảng 50m2.

Thương binh Phạm Văn Hẹn - Một địa chỉ mong được sự giúp đỡ -0
Thương binh Phạm Văn Hẹn và người con gái tật nguyền 

Ông Phạm Văn Hẹn, sinh năm 1954, nhập ngũ tháng 1.1971 vào đơn vị pháo phòng không, huấn luyện tại xã Bình Dương (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh). Tháng 11.1971, ông cùng đồng đội hành quân tham gia chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên gồm các tỉnh: Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum. Đến tháng 4.1974, đơn vị ông được lệnh điều động xuống mặt trận B2 ở các tỉnh: Long An, Bình Dương, Sài Gòn - Gia Định.

Thương binh Phạm Văn Hẹn chia sẻ, trong những năm tháng ở chiến trường miền Nam, ông và đơn vị tham gia đánh hàng trăm trận, nhiều đồng đội ông hy sinh, có những khẩu đội bị bom địch đánh trúng không còn một người nào. Trong một trận đánh ở Long An, ông bị một mảnh bom cắt mất bàn tay trái. Sau khi bị thương, ông được đưa về tuyến sau điều trị. Năm 1976, ông nhận quyết định phục viên về địa phương.

Theo lời kể của ông Hẹn, sau khi phục viên về địa phương, ông kết hôn với người con gái cùng quê. Ông bà sinh được 2 người con, một trai một gái. Người con trai lớn là Phạm Văn Biền (sinh năm 1980) đã xây dựng gia đình riêng và có 2 con, hiện là công nhân của Công ty Thông Quảng Ninh (đang ở nhà tập thể tại thôn Núi Bòng, xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí) điều kiện kinh tế khó khăn, thi thoảng mới về quê thăm bố. Người con thứ hai là chị Phạm Thị Thúy, sinh năm 1984. Khi chị Thúy 6 tuổi, người mẹ thấy con gái bị bệnh tật, chồng thì thương tật đầy người, ốm đau liên miên nên bỏ ba bố con đi biệt tích, hiện không biết ở đâu.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị xã Quảng Yên Lương Liễm cho biết, cháu Phạm Thị Thúy bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người bố nên trí tuệ không được bình thường. Trong khi đó, mọi sinh hoạt của Thương binh Phạm Văn Hẹn hiện nay gần như tại chỗ, trông chờ vào người con gái tật nguyền.

Mọi chi phí sinh hoạt, thuốc men của 2 bố con thương binh Phạm Văn Hẹn đang phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn trợ cấp hàng tháng đối với nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc màu da cam/ dioxin, tiền thương tật của ông với số tiền gần 7 triệu đồng và 1.290.000đ tiền trợ cấp người tàn tật của cô con gái Phạm Thị Thúy.

Thương binh Phạm Văn Hẹn - Một địa chỉ mong được sự giúp đỡ -0
Thương binh Phạm Văn Hẹn 

Nói về hoàn cảnh gia đình thương binh Phạm Văn Hẹn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị xã Quảng Yên Lương Liễm cho biết: Trên địa bàn thị xã hiện có 501 người là nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc hóa học, thì có 5 trường hợp thuộc diện đặc biệt khó khăn; trong đó, có trường hợp gia đình Thương binh Phạm Văn Hẹn.

Cuộc sống của hai bố con thương binh Phạm Văn Hẹn chỉ trông chờ vào nguồn trợ cấp thương binh của ông và trợ cấp tật nguyền của chị Thuý nên cuộc sống khó khăn trăm bề. Nói về cuộc sống hiện tại của hai bố con, chị Phạm Thị Thúy chia sẻ: Cả chục năm qua, hai bố con sống trong căn nhà xập xệ, dột nát. Gần một năm nay, cuộc sống đã khá hơn do được chính quyền, đoàn thể giúp đỡ hỗ trợ xây dựng lại ngôi nhà. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, bố tôi đau yếu nhiều hơn do thương tích tái phát, số tiền trợ cấp hàng tháng chỉ đủ để trang trải chi phí thuốc men.

Chị Thúy cho biết thêm, mỗi tháng, bố chị đều đặn phải nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy hoặc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí từ một đến hai lần. Mặc dù, được hưởng chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước nên không mất tiền viện phí, điều trị nhưng tiền xe đi lại, cộng thêm ăn uống khi nằm viện và tiền mua thuốc ngoài, chưa kể các chi phí khác phát sinh nên hầu như khoản trợ cấp hàng tháng của 2 bố con đều âm, phải nhờ vào sự giúp đỡ, cưu mang thêm của họ hàng, làng xóm...

Hoàn cảnh của thương binh Phạm Văn Hẹn và con gái thật éo le và thương cảm, cần lắm sự quan tâm, chia sẻ của những tấm lòng.

Mạnh Tuân
#