Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND các huyện, thị xã La Gi, TP. Phan Thiết và chủ đầu tư 14 dự án ven biển rà soát hồ sơ thiết kế của các công trình, hạng mục công trình thuộc dự án, phải có giải pháp bảo vệ môi trường, phương án ứng phó an toàn cho người, công trình và phương tiện.
Các đơn vị thành lập tổ (đội) ứng phó sự cố nhanh tại chỗ để chủ động tổ chức xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng cát tràn xuống đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông và các khu dân cư ven biển mỗi khi có mưa lớn xảy ra.
Sở cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi việc xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn theo thẩm quyền quản lý. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư các dự án ven biển nghiêm túc thực hiện các nội dung phòng, chống, ứng phó mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất; bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Trước đó vào rạng sáng 21.5, mưa lớn kéo dài khiến nước từ trên đồi cao khu vực dự án Sentosa (phường Mũi Né, TP. Phan Thiết) chảy mạnh kéo theo cát đỏ tràn xuống tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng gây ách tắc giao thông, nhiều phương tiện, tài sản người dân bị vùi lấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chính quyền tỉnh Bình Thuận sau đó đã khẩn trương huy động hàng trăm người cùng phương tiện xe cơ giới tham gia dọn dẹp.
Bình Thuận hiện có 14 công trình, dự án ven biển. Trong đó có một chùa trên địa bàn huyện Tuy Phong và 13 khu du lịch, dự án nhà ở, bất động sản tại TP. Phan Thiết và các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Nam. Cụ thể, chùa Minh Đạo; khu du lịch Hawaii; khu du lịch sinh thái Biển Lặng; khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né; khu du lịch Minh Sơn; khu biệt thự cao cấp và du lịch - nghỉ dưỡng đồi Hòn Rơm; Goldsand Hill Villa; khu nghỉ dưỡng Mũi Né; khu đô thị dịch vụ du lịch của Công ty TNHH Đầu tư Hưng Lộc Phát Phan Thiết; khu Thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát; tổ hợp khu du lịch Thung lũng Đại Dương; du lịch nghỉ dưỡng Amiana Phan Thiết; khu biệt thự nghỉ dưỡng Sentosa Villa; Khu nhà ở Phú Hài.