Chậm đóng bảo hiểm xã hội vẫn nhức nhối
Chính sách BHXH là một trong những trụ cột chính của chính sách an sinh xã hội đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và được thực hiện ngay từ khi mới thành lập nước. Đặc biệt từ khi có Luật BHXH, việc tổ chức thực hiện và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội hiệu quả hơn, số người tham gia và thụ hưởng chính sách xã hội ngày càng tăng. Tuy nhiên, đến nay việc tham gia đóng phí BHXH bắt buộc còn có những bất cập, tình trạng chậm, trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp đang là vấn đề nhức nhối trên cả nước.
Theo thống kê của cơ quan BHXH Việt Nam, số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến năm 2023 đã lên đến trên 13.000 tỷ đồng (bao gồm cả tiền lãi chậm đóng). Phát biểu tại hội nghị TXCT là cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức ngày 13.5 vừa qua, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Phạm Quang Thanh nhấn mạnh, tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH trên địa bàn vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng. Mới đây, thành phố Hồ Chí Minh cũng công khai danh sách 18.466 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động tính đến hết ngày 30.4.2024. Cá biệt, có những đơn vị nợ đóng BHXH với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Nguyên nhân của tình trạng trên ngoài do khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu thì còn vì nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, chưa thực sự quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Trong khi đó, chế tài xử lý hành vi nợ BHXH lại chưa đủ sức răn đe. Việc rà soát, bổ sung các chế tài, giải pháp ngăn chặn tình trạng chậm, trốn đóng BHXH được nhiều ĐBQH, cử tri và nhân dân quan tâm thời gian qua. Đây cũng là vấn đề Tổng Liên đoàn Lao động quyết tâm theo đuổi trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, theo hướng tìm chính sách đặc thù để giải quyết vì vấn đề đã kéo dài, tồn tại nhiều năm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhiều người lao động.
Rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý, thực hiện chính sách
Thực tế thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho thấy, vẫn còn một bộ phận người lao động bị treo quyền lợi về BHXH do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn… Vì thế, tại các cuộc TXCT chuyên đề giữa Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành trên cả nước với người lao động, lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa qua, công đoàn, người lao động tại nhiều địa phương mong muốn: trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này, cần có các quy định để định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH nếu để tình trạng này tiếp tục gia tăng. Mặt khác, bổ sung chế tài xử lý với hành vi chậm, trốn đóng BHXH, nhất là chế tài về xử lý hình sự với doanh nghiệp nợ BHXH trên 6 tháng.
Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về cải cách chính sách BHXH cũng đã nêu rõ định hướng: hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH theo hướng cơ quan quản lý Nhà nước về BHXH và cơ quan quản lý quỹ BHXH có thẩm quyền xử phạt các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH. Để cụ thể hóa định hướng này, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được bổ sung các giải pháp mạnh. Tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH, ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận, trục lợi chính sách BHXH, hạn chế việc trốn đóng, chậm đóng, BHXH; đồng thời, dự thảo Luật đã sửa và bổ sung nhiều biện pháp, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH.
Cùng với sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, một số ĐBQH cũng đề nghị, Quốc hội sớm nghiên cứu, sửa đổi đồng bộ các luật khác liên quan để nâng cao tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của quy định trên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân và người lao động.