Còn Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu dẫn khảo sát của công đoàn cùng với tổ chức xã hội thực hiện cho thấy, rút bảo hiểm xã hội một lần thường xảy ra ở nhóm đóng dưới 10 năm. Có tới 61% công nhân trả lời sẵn sàng rút một lần mà không phân vân; 31% kiên quyết không rút và gần 8% không có ý kiến gì. Gần 57% công nhân ở khu vực phía Bắc có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần trong khi ở miền Trung và miền Nam tỷ lệ này là hơn 68%.
Lý do khiến người lao động dễ rút bảo hiểm một lần theo ông Hiểu, ngoài yếu tố văn hóa vùng miền, thói quen tích lũy còn có nguyên nhân khác là thu nhập thấp, bấp bênh và không có niềm tin vào công việc đang làm. Với đề xuất chỉ cho rút phần lao động đóng là 8%, phần chủ sử dụng đóng 14% nên bảo lưu, theo ông Hiểu, có thể công nhân không đồng ý, thậm chí đình công...
Theo quy định hiện nay, người lao động khi chấm dứt hợp đồng nếu có yêu cầu sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; ra nước ngoài định cư; người mắc các bệnh nguy hiểm... Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng chưa tính đến chuyện "siết" việc này bởi đây là quyền lợi người lao động nên không thể ngăn cản mà chỉ theo hướng khuyến khích lao động tham gia đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã một lần. Bên cạnh đó, dự luật cũng bổ sung quy định người đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu, nếu không nhận một lần thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn, mức trợ cấp cao hơn.
Thực tế, chính sách bảo hiểm xã hội hiện được thiết kế phù hợp với lao động khu vực hành chính, làm việc 8 tiếng mỗi ngày. Với người lao động, việc đóng bảo hiểm 20 năm mới được hưởng lương hưu sẽ khó "theo" được. Vậy nên bảo hiểm không thể "đứng" riêng lẻ mà phải đi kèm chính sách an sinh khác thì mới giữ người lao động ở lại với hệ thống. Và như ý kiến của ông Hiểu thì khi chọn rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động cũng đã nâng lên đặt xuống. Do đó, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, cơ quan chuyên môn cần hiểu tâm lý này để thiết kế chính sách cho phù hợp.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Sáu, diễn ra vào tháng 10.2023; thông qua vào Kỳ họp thứ Bảy, diễn ra tháng 5.2024 và có hiệu lực từ 1.1.2025.