Mặc dù đã có những điểm sáng trong công tác phân loại chất thải sinh hoạt, song, bên cạnh những mô hình điểm, vẫn còn không ít nơi, người dân chưa thực sự hiểu rõ về việc thu gom, xử lý rác thải.
Quy định đã có nhưng khó thực thi
Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 7.000 tấn/ngày. Trong đó, về thành phần rác thực phẩm chiếm 51,9%; chất trơ (cao su, da, gỗ...) chiếm 38% và lượng chất thải rắn có thể tái chế chiếm dưới 7,1%... Việc xử lý chủ yếu vẫn bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh (chiếm 98% tổng lượng chất thải rắn thu gom); ngoài ra xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện (chiếm khoảng 2%).
Nhiều chuyên gia cho rằng, với đà hiện nay, mỗi năm, số rác thải của TP Hà Nội tăng thêm khoảng 5%. Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại.
Theo ý kiến của các chuyên gia môi trường, tổ chức phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Dẫu vậy, việc phân loại rác thải vẫn còn bộn bề khó khăn, trở ngại, bởi các mô hình mới được thực hiện tại nguồn thải, chưa thiết lập thành chuỗi quy trình phân loại trong thu gom.
Mặc dù đã có nhiều chế tài, hành lang pháp lý được ban hành, đơn cử như Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 quy định, đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt phải được phân thành 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Trong Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng quy định, hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt hành chính, số tiền phạt từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Dù luật đã quy định như vậy, vẫn chưa thể áp dụng trên thực tế.
Ghi nhận ở nhiều hộ gia đình, chung cư, dãy trọ cho thấy, người dân vẫn chưa có thói quen thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Đa phần người dân vẫn cho tất cả các loại rác thải sinh hoạt vào túi nilon hoặc bỏ vào thùng rác chung. Bên cạnh đó, hiện nay các đơn vị thu gom rác dân lập hay công lập đều đến lấy rác và đổ chung vào một xe ba gác, vận chuyển đến các điểm tập kết vì chưa có các xe chuyên dụng chở rác đã phân loại.
Tại quận Thanh Xuân, nơi có mật độ dân cư đông, khối lượng rác thải hàng ngày rất lớn, vấn đề phân loại rác thải sinh hoạt vẫn chưa được quan tâm, chú trọng. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân cho biết, gia đình chị chủ động phân rác thành 2 loại là rác hữu cơ và rác vô cơ, tuy nhiên, khu chung cư nơi chị sinh sống vẫn dùng chung 1 thùng rác; đa phần các hộ dân tại đây đều dùng 1 túi nilon đựng tất cả các loại rác thải từ vỏ hoa quả, thức ăn thừa đến chai, lọ nhựa…
Chị Nguyễn Thị Tuyết, nhân viên vệ sinh môi trường, phường Bồ Đề, Quận Long Biên cho biết, khối lượng rác hàng ngày rất lớn nhưng cơ bản người dân đều tự giác thực hiện quy định, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Chỉ có riêng vấn đề phân loại rác thải thì hầu như chưa gia đình nào làm được. Theo chị Tuyết, "nếu người dân đều có ý thức tốt, phân loại rác từ gia đình thì sẽ đỡ được rất nhiều thời gian, công sức cho nhân viên vệ sinh và giảm được chi phí cho việc xử lý rác thải…"
Khi được hỏi về vấn đề phân loại rác tại nguồn, chị Nguyễn Thị Mai Thương (Tân Triều, huyện Thanh Trì) cho hay, đến nay gia đình vẫn chưa nắm được quy định phải phân loại rác tại nguồn và dán nhãn như thế nào cho phù hợp, dễ nhận biết, nên gia đình vẫn cho tất cả các loại rác thải sinh hoạt vào chung một túi nilon để các đơn vị đến thu gom.
Chuyển đổi nhận thức trong phân loại rác
Có thể nói, về phía người dân, việc thực hiện phân loại rác thải chưa thực sự trở thành thói quen, nếp nghĩ; các đơn vị làm dịch vụ thu gom rác cũng chưa thể phân loại hoặc có phân loại cũng không thấm vào đâu. Thực tế cho thấy, rất nhiều xe vận chuyển rác của các đơn vị làm dịch vụ môi trường đều không có ngăn để phân loại rác hữu cơ hay rác khó phân hủy, tất cả rác thải được đổ rác vào thùng. Duy nhất bên hông xe là chiếc bao được các công nhân cột lại để lượm nhặt chai nhựa, hộp nhựa, bìa catton.
Cũng có chuyên gia cho rằng, câu chuyện phân loại rác tại nguồn, tái chế không phải là câu chuyện mới mà đã diễn ra trong nhiều năm trước. Cụ thể, trong giai đoạn 2006 - 2009, mô hình 3R: Giảm thiểu (Reduce) - Tái chế (Recycle) - Tái sử dụng (Reuse) đã được cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA hỗ trợ cho TP. Hà Nội được triển khai thí điểm tạị một số khu vực trên địa bàn Thủ đô.
Thời điểm khi dự án 3R triển khai, người dân, chính quyền, ai cũng hào hứng tham gia. Thậm chí, để hưởng ứng chương trình, người dân, chính quyền địa phương còn thành lập các tổ giám sát, nhắc nhở, hướng dẫn người dân phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định. Tuy nhiên, do đơn vị thu gom không bố trí được phương tiện thu gom riêng biệt giữa rác tái chế và rác thực phẩm nên rác thải vẫn đổ lẫn rác vào nhau… Khi dự án kết thúc thói quen phân loại rác tại nguồn cũng kết thúc luôn.
Đại diện một số đơn vị thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn Hà Nội cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc phân loại rác không thể tiếp tục thực hiện được là thiếu sự đồng bộ và chỉ đạo từ các cấp các ngành. Đồng thời, do thiếu kinh phí nên việc xây dựng các điểm trung chuyển, mua sắm các phương tiện vận chuyển rác thải riêng biệt, phát triển đội ngũ cộng tác viên thu gom, phân loại… gặp nhiều khó khăn, dự án dần dần đi vào bế tắc, không phát huy được hiệu quả bền vững. Mấu chốt của thành công ở đây không chỉ là chi phí hay lợi nhuận, điều quan trọng là nhận thức của người dân và địa phương về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh cho rằng, để việc phân loại rác hiệu quả, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu ích lợi của việc làm, khi đó tự giác tham gia. Thực tế tại huyện Đông Anh, để việc phân loại rác hiệu quả, cách làm của huyện là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu ích lợi của việc làm, khi đó tự giác tham gia. Quá trình thực hiện, huyện và xã đều chọn địa phương làm điểm, có hỗ trợ cụ thể. Tại các đơn vị làm điểm, tiếp tục chia thành nhiều nhóm nhỏ, “nhóm nòng cốt” để hỗ trợ trực tiếp người dân.
Thời gian đầu triển khai thí điểm, việc phân loại, xử lý rác tại ở các hộ gia đình ở huyện Đông Anh còn gặp nhiều khó khăn vì người dân chưa có thói quen phân chia rác. Nhờ UBND cấp xã, huyện nhắc nhở, chia sẻ, đến nay việc phân loại dần ổn định; người dân các thôn, xóm tự giác phân loại tại nhà để “nhóm nòng cốt” dễ dàng thu gom, vận chuyển. Từ những kết quả đạt được, đến nay, số người tự phân loại và xử lý rác tại nhà trên địa bàn huyện Đông Anh tiếp tục tăng. Nhiều hộ gia đình coi việc làm này như thói quen thường nhật.
Theo các chuyên gia, cùng với việc tuyên truyền theo hướng "mưa dầm, thấm lâu", trong tương lai, để duy trì thành công mô hình phân loại rác, cần phải cân bằng hài hòa giữa trách nhiệm công dân và lợi ích người dân; ràng buộc trách nhiệm đi đôi với bảo đảm quyền lợi, nhằm khuyến khích động viên và duy trì hiệu quả bền lâu, trước khi việc phân loại rác trở thành một nếp sinh hoạt ăn sâu vào đời sống hàng ngày của người dân…