Cùng thời gian này, có 25 lượt doanh nghiệp đăng ký chuyển đổi loại hình hoạt động; 30 lượt doanh nghiệp đăng ký giải thể tự nguyện; 117 lượt doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động và 215 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại (tăng 23,56% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong tháng 1.2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện chuyển phát 615 lượt kết quả đến doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính; hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng cho 4 doanh nghiệp; tư vấn qua điện thoại, zalo cho gần 396 lượt khách hàng; hướng dẫn hồ sơ, thủ tục tại Trung tâm Hành chính công tỉnh cho 176 lượt công dân, doanh nghiệp; tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, xử lý các doanh nghiệp vi phạm liên quan đến hoạt động…
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh từ các doanh nghiệp công nghiệp ngành chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh quý I.2024, có 27,17% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so quý IV.2023; 28,32% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 44,51% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước lạc quan nhất với 42,86% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý I.2024 tốt hơn so quý IV.2023; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 18,75%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 33,72%.
Theo các chuyên gia, dự báo khó khăn của nền kinh tế có thể tiếp tục kéo dài đến năm sau. Vì vậy, Bắc Ninh đã nắm bắt tình hình thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời để tìm ra những giải pháp linh hoạt phù hợp. Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Bắc Ninh đã quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, trước hết cần tháo gỡ ngay những rào cản sản xuất, kinh doanh. Chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác cũng phải có sự kết hợp linh hoạt, phù hợp để vừa bảo đảm hỗ trợ tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phát triển của doanh nghiệp.
Tiếp tục kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp. Các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới.
Cùng với đó, tiếp tục có các chính sách, gói hỗ trợ người sản xuất trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay. Các cơ quan quản lý ngành cần đưa ra các định hướng, biện pháp tháo gỡ khó khăn từ ngắn hạn đến dài hạn. Hướng dẫn doanh nghiệp và người dân các điều kiện để sản xuất an toàn, khả năng kiểm soát dịch bệnh, bao tiêu sản phẩm đầu ra; nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ sản xuất con giống và ưu đãi tín dụng cho người dân, chuỗi liên kết sản xuất.
Về phía các doanh nghiệp, cần tận dụng tốt các Hiệp định thương mại (đặc biệt là các FTA đã ký kết) và nỗ lực các hoạt động xúc tiến thương mại, cần chủ động tìm kiếm thị trường mới, tăng cường mở rộng thị phần để hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; thúc đẩy liên kết mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài. Đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng ở nhiều phân khúc thị trường. Chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của đơn vị, chủ động sắp xếp tinh gọn hoạt động sản xuất giảm chi phí và giá thành sản phẩm.