Giám sát đường đi của thực phẩm
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, trong khi thế giới đang đối mặt với thiên tai cực đoan, dịch bệnh thì Việt Nam vẫn bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân và còn dư một lượng lớn để xuất khẩu. Tình hình an toàn thực phẩm nội địa từng bước được cải thiện. Tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm giảm nhưng vẫn ở mức cao so với các quốc gia phát triển. Nguyên nhân do quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng không ổn định, thiếu minh bạch… Bên cạnh đó, chính sách pháp lý chưa đầy đủ và chưa phù hợp với thực tiễn; hệ thống giám sát, thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả, chặt chẽ.
Theo ông Tiệp, để tăng cường chất lượng thực phẩm cần giải quyết các tồn tại nêu trên, bên cạnh việc tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm. Trong đó, xác định khâu trọng yếu của chuỗi là các trang trại, hợp tác xã đến các chợ đầu mối và nhà bán lẻ lớn. Cần phải chuẩn hóa những khâu trọng yếu này và minh bạch chia sẻ thông tin giữa các bên để cùng nhau giám sát đường đi của thực phẩm.
Theo bà Minh, trong vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo đảm minh bạch nguồn gốc thực phẩm hiện nay, cần đề cao vai trò của tất cả các đơn vị, thành phần trong xã hội. Trách nhiệm của thương lái cũng cần nâng cao vì đây là bộ phận rất quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản. "Người tiêu dùng là chốt chặn cuối cùng và quan trọng. Các tổ chức xã hội như Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng phải hỗ trợ cung cấp kiến thức nhận diện an toàn thực phẩm và các mối nguy từ thực phẩm cho người dân", Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch nhấn mạnh.
Không đợi đến "tháng hành động" mới vào cuộc
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, việc bảo đảm an toàn thực phẩm cần tránh tư duy khẩu hiệu, trách nhiệm với an toàn thực phẩm là vấn đề từng ngày, từng giờ. Quản lý an toàn thực phẩm không phải đợi đến "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" mới vào cuộc.
Bên cạnh đó, cần cân bằng giữa tính răn đe của pháp lý và sự mềm dẻo của cái tình đối với các hành vi sai phạm với an toàn thực phẩm. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đôi khi thay vì xử phạt, loại trừ cá nhân nào đó có sai phạm; cách mà doanh nghiệp, nhà bán lẻ thuyết phục họ sửa sai có khi hiệu quả mang lại còn cao hơn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của toàn xã hội và của từng người. Nếu dồn hết gánh nặng pháp lý cho cơ quan nhà nước thì trách nhiệm của xã hội ở đâu, của doanh nghiệp ở đâu, nhất là với nông dân, thành phần chính trong nền nông nghiệp vẫn còn manh mún của Việt Nam. Tất cả phải cùng chung tay giúp xã hội thay đổi, giúp nông dân thay đổi cách sản xuất. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị cộng đồng doanh nghiệp không nên nghĩ đơn giản ở việc mua và bán, mà hướng đến việc tạo ra giá trị xung quanh nông sản. Doanh nghiệp nhìn nông dân là bà con sẽ khác với nhìn như đối tác làm ăn qua thương vụ.
Về quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ hoàn thiện dần những quy định, đã đến lúc chuyển từ khuyến khích sang bắt buộc, bắt buộc ở trong diện rộng chưa được thì bắt buộc trong diện hẹp, từ hệ thống phân phối lớn, từ tập đoàn lớn, dần trở thành một ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cam kết sẽ luôn đồng hành với phương châm "tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thật", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
______
(Chương trình phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản)