Nâng cao chất lượng sản phẩm
Ngày 24.8.2020, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 1148/QĐ-UBND thành lập Hội đồng và Tổ giúp việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020. Ban chỉ đạo OCOP tỉnh Bắc Ninh cũng đã tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ ngày 4.9 - 5.9.2020.

Bắc Ninh hiện có 16 chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, gồm 7 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã, 3 hộ sản xuất kinh doanh. Năm 2020 có 36 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng, trong đó có 33 sản phẩm đủ điều kiện. Hội đồng đánh giá, phân hạng tỉnh Bắc Ninh thống nhất 33 sản phẩm này đều đạt từ 3 sao trở lên. Cụ thể 3 sản phẩm được Hội đồng đánh giá đạt 3 sao, 30 sản phẩm được Hội đồng đánh giá đạt 4 sao.
Để động viên kịp thời các chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm năm 2020 và khuyến khích họ phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, Sở NN - PTNT tỉnh Bắc Ninh đề nghị UBND tỉnh thưởng cho các chủ cơ sở có sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên. Theo đó, sản phẩm được công nhận đạt 4 sao thưởng 30 triệu đồng/sản phẩm; sản phẩm được công nhận đạt 3 sao thưởng 20 triệu đồng/sản phẩm. Tổng số tiền thưởng lên đến 960 triệu đồng.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Bắc Ninh bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp và có nhiều chuyển biến rõ rệt về quy mô, chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến cũng như mẫu mã bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu…
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ

Tỉnh Bắc Ninh xác định Chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bắc Ninh phấn đấu có khoảng 50 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP, tối thiểu 150 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 5 sản phẩm đạt 5 sao. Triển khai khoảng 2 mô hình làng văn hóa du lịch; xây dựng 1 Trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương tích cực triển khai Chương trình OCOP theo đề án đã được phê duyệt, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất, tiêu chuẩn hoá, đăng ký công bố chất lượng sản phẩm OCOP, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP. Hỗ trợ các tổ chức kinh tế, nhóm cộng đồng nghiên cứu, phát triển, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với du lịch nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh về danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hoá của các địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo nghề phục vụ phát triển Chương trình OCOP. Hỗ trợ các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, đơn vị địa phương cần tập trung phát triển, nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao. Rà soát hoàn thiện các sản phẩm không đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng năm 2020 để tiếp tục tham gia đánh giá phân hạng vào năm tiếp theo. Khuyến khích, tạo điều kiện thành lập mới các tổ chức kinh tế sản xuất sản phẩm OCOP. Xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo tập huấn cho 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.
Để Chương trình OCOP của tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đạt hiệu quả thiết thực và lan toả rộng rãi hơn nữa tới đại đa số người dân, thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng để bảo đảm mọi người dân đều biết về nội dung, mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý Chương trình OCOP các cấp. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, tập trung vào các dịp lễ hội của tỉnh. Phối hợp xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trên địa bàn; tổ chức lựa chọn sản phẩm tiêu biểu tham gia hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như tập trung đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các nhóm hộ, tổ sản xuất, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP thực hiện nâng cấp, hoàn thiện, mở rộng cơ sở sản xuất, hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh, gia tăng thành viên bảo đảm đủ điều kiện để chuyển đổi loại hình hoạt động sang loại hình doanh nghiệp…