Theo đó, các đối tượng áp dụng theo Thông tư 37/2017/TT-BQP bao gồm: Người lao động trong Bộ Quốc phòng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, gồm 4 đối tượng: Sĩ quan (SQ), quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân (sau đây gọi tắt là người làm công tác cơ yếu); hạ sĩ quan, binh sĩ (HSQ, BS), học viên cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí (sau đây gọi tắt là học viên cơ yếu); công nhân, viên chức quốc phòng (CN, VCQP), công chức, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu không phải là quân nhân; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (sau đây gọi chung là lao động hợp đồng).
Đồng thời, Thông tư cũng quy định người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Khoản 4, Điều 123 Luật BHXH. Người lao động trong Bộ Quốc phòng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong thời gian đi học tập, thực tập, công tác, nghiên cứu, đi điều dưỡng ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương hoặc phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí ở trong nước và đóng BHXH theo quy định thì được hưởng các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH.
Ngoài ra còn đối tượng là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Quốc phòng (sau đây gọi chung là đơn vị). Theo Thông tư, từ ngày 2.4.2017, sẽ truy thu, truy tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động, người sử dụng lao động trong trường hợp sau: Điều chỉnh tăng tiền lương tháng đã đóng BHXH cho người lao động; đóng bù thời gian chưa đóng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động. Không tính lãi chậm đóng đối với số tiền truy thu trong trường hợp điều chỉnh tăng tiền lương và đóng bù thời gian chưa đóng.