Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB và XH Phạm Minh Huân, hiện có khoảng 80 nước trên thế giới thực hiện loại hình này, ngoài tầng thứ nhất là hưu trí cơ bản bắt buộc đã triển khai tầng thứ 2 là bảo hiểm HTBS. Khối APEC chỉ còn duy nhất Việt Nam chưa triển khai loại hình bảo hiểm này. Do đó, mục tiêu chính triển khai thí điểm chính sách bảo hiểm HTBS là nhằm xây dựng khung pháp lý, hình thành hệ thống hưu trí đa tầng bổ sung cho tầng hưu trí cơ bản hiện nay, giúp doanh nghiệp giữ người tài, người lao động có thêm thu nhập. Một nghiên cứu mới đây của Bộ LĐTB và XH đối với gần 700 doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có đến 70% doanh nghiệp được khảo sát mong muốn và sẵn sàng tham gia quỹ HTBS cho người lao động.
Theo các chuyên gia góp ý cho dự thảo Đề án thực hiện thí điểm bảo hiểm HTBS, thì dù BHXH vẫn là một trụ cột quan trọng nhất của hệ thống an sinh xã hội quốc gia, nhưng xu hướng chung của thế giới là xây dựng một hệ thống an sinh xã hội đa tầng, linh hoạt, không loại trừ và có thể hỗ trợ lẫn nhau, nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người, nhất là người lao động trong các trường hợp rủi ro kinh tế và rủi ro xã hội khác. Hiện Việt Nam đang có khoảng 10,6 triệu người tham gia bảo hiểm hưu trí bắt buộc. Vì lương hưu thấp cùng với sự bảo hộ của Nhà nước, nên lương hưu hiện nay đang gắn rất chặt với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. “Việc tăng lương hưu cùng mức với tăng lương tối thiểu chung đã tạo áp lực rất lớn cho ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Chính áp lực này đã khiến cho quá trình cải cách tiền lương để tăng đời sống cho người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, xuất phát từ nhu cầu của người lao động và mong muốn ổn định bộ máy, thu hút được nhân sự chất lượng cao, mặc dù chưa có khung pháp lý, song đã có không ít doanh nghiệp hình thành quỹ bảo hiểm HTBS như Công ty Unilever Việt Nam, Công ty Nestle Việt Nam, Công ty Dutch Lady Việt Nam… thực hiện đối với hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, số tiền trích vào quỹ không được tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp, khi nhận tiền, người lao động phải đóng thuế thu nhập theo quy định của Nhà nước. Chính điều này đã khiến cho lao động làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam rất thiệt thòi và những lao động khác muốn gia tăng cơ hội hưởng HTBS cao hơn khi nghỉ hưu cũng không có cơ hội.
Theo dự thảo Đề án, mức đóng bảo hiểm HTBS dự kiến quy định trong khoảng từ 5 - 22% tiền lương hàng tháng được thỏa thuận giữa các bên với tối đa 5,06 triệu đồng/người/tháng và không vượt quá 60,72 triệu đồng/người/năm. |
Trước thực tế trên, các Bộ, ngành hữu quan đang khẩn trương hoàn tất Đề án thí điểm triển khai mô hình bảo hiểm HTBS để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm triển khai thực hiện từ đầu năm 2014. Nguồn vốn từ chương trình bảo hiểm hưu trí này sẽ được phân bổ đầu tư qua các quỹ mở chuyên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, thị trường tiền tệ, thị trường cổ phiếu, do các công ty quản lý quỹ quản lý và vận hành. Nguồn vốn này sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho các công ty quản lý quỹ, đồng thời là động lực để các công ty bảo hiểm nhân thọ đẩy nhanh tiến trình thành lập công ty quản lý quỹ. Phần đóng góp vào quỹ chính sách HTBS bao gồm đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động được khấu trừ hàng tháng từ tiền lương, lợi nhuận đầu tư tài sản của quỹ và nguồn tài trợ khác. Bảo hiểm HTBS khác với hưu trí cơ bản ở chỗ bảo hiểm HTBS chỉ có sự tham gia trực tiếp của hai bên là người sử dụng lao động và người lao động. Sự tham gia này hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện và sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Nhà nước không tham gia trực tiếp vào quản lý hoạt động của bảo hiểm HTBS, nhưng sẽ có chính sách quản lý việc đóng hưởng, đầu tư quỹ, giám sát việc tổ chức thực hiện, có chính sách ưu đãi về thuế cho những đối tượng tham gia.