Một số bộ, ngành còn chậm
Số thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia tính đến ngày 10.2.2022 là 3.532. Số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia là 96.777.922 hồ sơ; số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia là 2.696.642
Là một trong những công dân được thụ hưởng tiện ích từ Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), chị Lương Thị Thanh Mai (quận Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ sự tin tưởng khi ứng dụng dữ liệu dân cư vào kê khai thông tin về cư trú. Chị Mai cho biết: trước đây, để làm thủ tục kê khai dữ liệu về cư trú, tôi thường phải ra công an phường khai báo thông tin trực tiếp. Nhiều khi ra phường còn phải đợi công an phụ trách địa bàn. Tuy nhiên, khi có ứng dụng dữ liệu dân cư trong thực hiện các thủ tục hành chính nên việc kê khai thông tin cư trú thuận tiện hơn rất nhiều. Tôi chỉ mất 5 phút thao tác để kê khai thông tin, tôi cũng có thể theo dõi và nhận kết quả trực tuyến”.
Nhanh chóng, tiện ích là vậy, song quá trình thực hiện Đề án số 06 cho thấy, một số bộ, ngành chậm trong triển khai, chưa khai thác những tiện ích mà dữ liệu dân cư mang lại. Đơn cử với Bộ Y tế, hiện chưa có quy trình, văn bản hướng dẫn việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trong lĩnh vực cư trú và cấp, quản lý căn cước công dân chưa tương xứng với tình hình thực tế. Mặc dù, Bộ Công an đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu các giải pháp thanh toán trực tuyến khi thực hiện dịch vụ công, song việc hoàn tiền đối với dịch vụ công không thực hiện được do thói quen của người dân và đơn vị có liên quan yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ, thủ tục bản giấy, chưa chấp nhận các kết quả giải quyết môi trường điện tử.
Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm nêu thực tế, mặc dù căn cước công dân gắn chip điện tử ra đời đã là giấy tờ chứng minh thông tin, nhân thân cao nhất, chính xác nhất của người dân. Nhưng khi thực hiện thủ tục hành chính, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn yêu cầu người dân phải chứng thực, chứng nhận rất nhiều loại giấy tờ, thậm chí có nhiều trường hợp bắt chứng thực, chứng nhận một cách vô lý.
Đẩy nhanh tiến độ
Tính đến thời điểm này, Bộ Công an đã hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số chứng minh nhân dân 9 số với căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cơ sở dữ liệu thuế phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thuế. Tích hợp 11 dịch vụ công trong lĩnh vực cư trú và 2 dịch vụ công của căn cước công dân lên Cổng dịch vụ công của Bộ Công an và Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai mức độ 3 với 100% dịch vụ công của căn cước công dân...
Thực tế, việc kết nối chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã giúp các bộ, ngành làm sạch được cơ sở dữ liệu chuyên ngành, xác thực thông tin công dân chính xác, phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính của các bộ, ngành như đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nộp thuế, làm sạch thông tin tiêm chủng của Bộ Y tế. Chính vì thế, việc bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu phải luôn được đặt lên hàng đầu, không tạo lỗ hổng để các đối tượng tấn công vào những tài nguyên quý giá này.
Tuy nhiên, để người dân sớm được hưởng lợi đầy đủ các dịch vụ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhiều đại diện bộ, ngành cho rằng cần sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư, người dân và doanh nghiệp. Đơn cử, trong thời gian tới Bộ Công an cần tập trung hoàn thiện sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, Thông tư hướng dẫn trao đổi thông tin, dữ liệu giữa dữ liệu dân cư và các dữ liệu chuyên ngành. Bộ Y tế sớm có quy trình, văn bản hướng dẫn việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip trong công tác khám chữa bệnh.