Nâng cao nhận thức về chính sách BHYT
Tính đến hết tháng 3.2022, toàn tỉnh Bắc Kạn đã phát triển được hơn 308.000 người tham gia BHYT, đạt 98,1% kế hoạch được BHXH Việt Nam giao, tăng 908 người so với tháng 2.2022. Trước đó, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh đến hết năm 2021 đạt 96% dân số, tương đương 307.507 người tham gia.
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, tỉnh Bắc Kạn có 34 xã với 663 thôn, bản, tiểu khu, tổ dân phố không thuộc diện đặc biệt khó khăn, tương ứng với hơn 35.000 người (chiếm gần 11% dân số của tỉnh) không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT.
Trên thực tế, Bắc Kạn là tỉnh miền núi với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, nên dù điều kiện kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, với những gia đình có đông thành viên thì việc đóng BHYT cho tất cả mọi người trong gia đình là vấn đề không dễ dàng. Nếu không có BHYT, người dân cũng như cộng đồng sẽ phải gánh chịu nhiều hệ lụy. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức người dân đối với chính sách BHYT và phát triển đối tượng tham gia BHYT đang trở thành vấn đề cấp thiết.
Nhận thức được tầm quan trọng của chính sách BHYT, ngay từ thời điểm Quyết định số 861/QĐ-TTg có hiệu lực, bà Lường Thị Mơ (huyện Chợ Đồn) đã quyết định đăng ký tham gia tiếp BHYT hộ gia đình cho cả nhà.
“Được cán bộ BHXH tuyên truyền, tôi thấy, việc tham gia BHYT rất quan trọng, nhất là khi dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống, thu nhập của cả gia đình. Tôi đã tiếp tục tham gia BHYT hộ gia đình để bảo đảm quyền lợi, nếu ốm đau, bệnh tật sẽ không phải lo lắng về chi phí khám, chữa bệnh nữa” - bà Lường Thị Mơ chia sẻ.
Với ông Lò Văn Kỳ (huyện Chợ Mới), đời sống của gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, lại thêm khó khăn khi dịch Covid-19 kéo dài khiến việc duy trì tham gia BHYT cho cả 5 thành viên trở nên nan giải. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ BHXH huyện đến tận nhà tư vấn, ông Kỳ quyết định tiếp tục tham gia BHYT.
“Việc tham gia BHYT chính là một hình thức tiết kiệm “đóng góp khi lành - để dành khi ốm”, nhất là với trường hợp khám, chữa bệnh được BHYT chi trả kịp thời, góp phần giảm gánh nặng chi phí kinh tế cho gia đình. Dù còn khó khăn, nhưng tôi sẽ cố gắng dành dụm để tham gia BHYT cho toàn bộ thành viên” - anh Kỳ cho biết.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
Có thể thấy, nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn về ý nghĩa của chính sách BHYT và việc chủ động bảo vệ sức khoẻ đã có sự cải thiện rõ rệt. Để người dân không “rời bỏ” lưới an sinh, ngay khi Quyết định số 861/QĐ-TTg được ban hành, BHXH tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo về thời điểm dừng hỗ trợ.
Đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào việc rà soát chi tiết số người tham gia BHYT không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT để điều chỉnh giảm thẻ theo quy định; kịp thời lập danh sách để cấp thẻ BHYT theo các nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ như cận nghèo, học sinh sinh viên, hộ gia đình nông - lâm nghiệp có mức sống trung bình.
Song song với đó, tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHYT. Đặc biệt, tuyên truyền, hướng dẫn người dân không thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg đến cơ quan BHXH hoặc đại lý thu gần nhất làm thủ tục đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình để không bị gián đoạn quyền lợi 5 năm liên tục.
Các hình thức tuyên truyền cũng được BHXH tỉnh thực hiện đa dạng, thông qua các trang mạng xã hội, hệ thống thông tin, báo chí cơ sở… Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức tư vấn trực tiếp theo các nhóm nhỏ cũng được phát huy tối đa.
Đầu năm 2022, BHXH tỉnh Bắc Kạn phối hợp với cấp ủy, chính quyền một số địa phương tổ chức trao tặng thẻ BHYT cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc các xã chịu tác động bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg. Qua đó, thể hiện sự chung tay, đồng hành của BHXH tỉnh với những người có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19.