Năm 2020, tiếp nhận hơn 1,4 triệu đơn vị máu
Báo cáo kết quả công tác vận động hiến máu tình nguyện năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện Lê Gia Tiến cho biết, năm qua, diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, tình hình thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng xảy ra tại các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng lớn đến công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện. Song, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền; Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp đã nỗ lực, phấn đấu, có nhiều sáng kiến, cách làm hay, sáng tạo; nhận được sự ủng hộ tích cực của các tầng lớp Nhân dân.
Theo đó, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được 1.405.336 đơn vị máu (quy đổi đơn vị máu có thể tích 250ml là 1.674.646 đơn vị), cơ bản đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh; tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 99%; tỷ lệ dân số hiến máu gần 1,5%, số người hiến máu nhắc lại đạt 50%; tỷ lệ người hiến máu có thể tích từ 350ml trở lên đạt gần 50%.
Cho đến nay, cả nước đã thành lập được 4.008 câu lạc bộ với 125.035 thành viên tham gia như câu lạc bộ hiến máu dự bị, câu lạc bộ 25, câu lạc bộ máu hiếm, câu lạc bộ gia đình máu hiếm, câu lạc bộ vận động hiến máu tình nguyện... Công tác xây dựng lực lượng hiến máu dự bị ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cũng được quan tâm và triển khai hiệu quả; đã có 20.108 cán bộ, hội viên và tình nguyện viên chữ thập đỏ được đào tạo, tập huấn về công tác vận động, huy động nguồn lực hiến máu nhân đạo.
Không chỉ gia tăng số lượng và chất lượng, nhận thức của toàn xã hội về lợi ích của hiến máu tình nguyện đã có bước chuyển biến tích cực; việc ứng dụng công nghệ di động quản lý hiến máu cũng tạo trải nghiệm thú vị cho người hiến máu, cho phép tra cứu thông tin về địa điểm hiến máu, nhu cầu máu của các bệnh viện, đăng ký hiến máu thuận tiện, theo dõi chi tiết lịch sử các lần hiến máu của bản thân.
Triển khai nhiều chiến dịch truyền thông
Theo các chuyên gia, có được kết quả trên, phần nhiều do công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện được đẩy mạnh, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, Ban Chỉ đạo các cấp đã tổ chức được hơn 13.100 cuộc tuyên truyền, vận động về hiến máu tình nguyện với 1.665.462 lượt người tham dự. Nhiều chiến dịch truyền thông và sự kiện hiến máu tình nguyện được tổ chức sáng tạo, thành công như chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết, “Lễ hội Xuân hồng” đã vận động và tiếp nhận được 269.664 đơn vị máu; chiến dịch “Những giọt máu hồng hè” và “Hành trình đỏ” đã vận động và tiếp nhận được 444.173 đơn vị máu...
Chia sẻ thông tin về chương trình hiến máu Chủ nhật Đỏ, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, TS. Bạch Quốc Khánh cho biết, với thông điệp “Hiến máu cứu người - Sinh mệnh của Bạn và Tôi”, sau 12 lần tổ chức, Chủ nhật Đỏ đã trở thành sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trên quy mô toàn quốc, nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm máu dịp Tết Nguyên đán. Sự kiện đã kêu gọi và nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, đơn vị cùng đông đảo người dân thuộc nhiều độ tuổi, vùng miền, dân tộc, ngành nghề tham gia hiến máu vì sự sống của người bệnh cần truyền máu. Xuất phát từ một điểm hiến máu tại Hà Nội vào năm 2009 chỉ với 96 đơn vị máu tiếp nhận được; đến nay, mỗi năm, Chủ nhật Đỏ đã thu hút trên 40 tỉnh/thành phố tham gia tổ chức và tiếp nhận được trung bình 45.000 - 50.000 đơn vị máu.
Được biết, dịp Tết năm 2021, cần ít nhất 50.000 - 55.000 đơn vị máu (đơn vị hồng cầu), trong đó, tháng 1 phải chuẩn bị 36.000 - 41.000 đơn vị máu; tháng 2, do nghỉ Tết rơi vào 2 tuần giữa tháng nên tỷ lệ người hiến máu thấp. Trong khi đó, thời hạn bảo quản máu ngắn, với hồng cầu là 35 - 40 ngày, thường chỉ sau 2 tuần tiếp nhận đã cung cấp hết lượng máu. Vì thế, hoạt động hiến máu Chủ nhật Đỏ không chỉ tập trung vào trước Tết mà kéo dài cho đến tháng 3, tiếp đó sẽ đến Lễ hội Xuân hồng, giúp giải quyết cơ bản thực trạng thiếu máu. Dự kiến, năm 2021, Chủ nhật Đỏ sẽ được tổ chức tại 43 tỉnh/thành phố ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với 80 điểm hiến máu, tiếp nhận hơn 50.000 đơn vị máu.
Tiếp tục mở rộng đối tượng hiến máu
Theo đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, năm 2021, toàn quốc phấn đấu tiếp nhận 1.523.000 đơn vị máu (quy đổi đơn vị máu có thể tích 250ml là 1.726.000); tỷ lệ người hiến máu tình nguyện là 99%; tỷ lệ người hiến máu nhắc lại từ 47% đến 49%; tỷ lệ dân số hiến máu tương đương là 1,6%. Đồng thời, xác định mục tiêu tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của hiến máu tình nguyện và an toàn truyền máu; bảo đảm tăng dần số lượng người có đủ sức khỏe tham gia hiến máu; áp dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, vận động và quản lý người hiến máu, nhằm cung cấp đủ máu phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh nhân...
Ngày 17.1, chương trình hiến máu Chủ nhật Đỏ lần thứ 13 chính thức khai mạc tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Chương trình do Báo Tiền Phong chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh, thành phố tổ chức.
Để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, không ít chuyên gia cho rằng, các bệnh viện, cơ sở tiếp nhận máu cần triển khai và bảo đảm an toàn công tác tiếp nhận máu cũng như kịp thời điều tiết máu hợp lý trong hoàn cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời, giải quyết tình trạng thiếu đồng bộ trong quản lý người hiến máu; tạo liên kết chặt chẽ trong hoạt động của các trung tâm máu.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, TS. Trần Ngọc Quế, hiện tại, nước ta đã có phần mềm quản lý người hiến máu, song mới chỉ triển khai đơn lẻ tại các trung tâm mà chưa kết nối thành hệ thống chung, khiến người hiến máu có hồ sơ ở trung tâm này nhưng khi đến trung tâm khác lại không được quản lý; các trung tâm cùng tổ chức hiến máu nhưng lại không nắm được số lượng người hiến của nhau… dễ tạo chồng chéo. Do đó, việc có phần mềm thống nhất toàn quốc sẽ giúp Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và ngành y tế, các trung tâm máu quản lý đồng bộ các dữ liệu. Đây cũng là “mắt xích” quan trọng để các trung tâm máu sớm hoàn thiện tiêu chuẩn quốc gia, hướng tới hệ thống truyền máu của Việt Nam đạt tiêu chuẩn WHO-GMP.