Tác nhân gây ra các bệnh về mắt
Là một trong những trường hợp khá nặng, đang được điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương, bệnh nhân Trần Ngọc Sương (sinh năm 1961) vừa bị đục thủy tinh thể vừa bị viêm màng bồ đào. Được biết, ông có hơn 20 năm sử dụng thuốc lá, mỗi ngày đều hút hơn một bao thuốc. Hiện nay mắt ông Sương một bên không nhận biết được hình ảnh, một bên thị lực chỉ còn 4/10.
Theo Trưởng khoa Chấn thương, Bệnh viện Mắt Trung ương Nguyễn Thị Thu Yên, đây không phải trường hợp đầu tiên bị nhiễm bệnh mắt do khói thuốc, đã có rất nhiều trường hợp nặng nhẹ khác nhau, thậm trí mù vĩnh viễn do thuốc lá gây ra. Có thể dễ dàng nhận thấy dấu hiệu tổn hại của mắt ở những người thường xuyên hút thuốc lá như vùng da xung quanh mắt sẫm màu, kết mạc nhãn cầu xung huyết, hai mắt trở nên dại hơn. Nguyên nhân gây nên những hiện tượng này do chất oxit nitri sản sinh ra khi hút thuốc lá sẽ kết hợp với huyết sắc tố trong tế bào hồng cầu. Tỷ lệ kết hợp của hai chất này có thể lên đến 15 - 20% khi hút một gói thuốc. Tỷ lệ này chỉ cần đạt đến 5% sẽ làm giảm đi rất nhiều khả năng vận chuyển oxy của tế bào hồng cầu khiến cho võng mạc bị thiếu oxy, thiếu máu, thiếu dinh dưỡng, từ đó dẫn đến giảm sút thị lực.
6,7% những người bỏ hút thuốc giảm nguy cơ phát triển thoái hóa điểm vàng sau 1 năm |
Theo Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương Nguyễn Xuân Hiệp, thuốc lá còn gây ra một số bệnh về mắt khác như thoái hóa điểm vàng, viêm kiết mạc, khô mắt. Với thoái hóa điểm vàng, người hút thuốc có nguy cơ mắc cao 2 - 4 lần so với người không hút thuốc. Theo đó, các yếu tố độc trong thuốc lá gây tổn hại hàng rào máu- võng mạc, giảm lượng máu đến mô võng mạc, gây thoái hóa dạng ướt. Đây là một trong hai căn bệnh gây mù hàng đầu cho người già trên 60 tuổi, chỉ sau đục thủy tinh thể.
Khói thuốc ảnh hưởng lớn tới mắt trẻ em
Theo Bệnh viện Mắt Trung ương, việc bỏ thuốc lá giúp cải thiện các bệnh về thị lực. Cụ thể, 6,7% những người bỏ hút thuốc giảm nguy cơ phát triển thoái hóa điểm vàng sau 1 năm. Nếu bỏ thuốc lá sau 5 năm thì nguy cơ sẽ giảm thêm 5%. Người bỏ thuốc lá trong 25 năm có nguy cơ thấp hơn 20% mắc bệnh đục thủy tinh thể so với người đang hút thuốc. |
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê, nhiều bằng chứng khoa học đã cho thấy, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa; tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen; giảm sự phát triển chức năng phổi; tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Thế nhưng ít người ít người biết về khói thuốc cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới đôi mắt của trẻ.
Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương Nguyễn Xuân Hiệp cho biết, bà mẹ mang thai nếu bị phơi nhiễm khói thuốc sẽ làm đứa con tương lai của họ có nguy cơ mắc viêm màng não do vi khuẩn cao gấp 5 lần người khác, có thể dẫn đến di chứng mù lòa. Ngoài ra việc bị phơi nhiễm khói thuốc trong khi mang thai ở phụ nữ có thể khiến trẻ bị lác mắt, thần kinh thị giác kém phát triển khi ra đời. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù ở trẻ em.
“Ngoài ra, phụ nữ hút thuốc trong thời kỳ mang thai thường có xu hướng sinh non. So với trẻ sinh đủ tháng, những trẻ sinh non có khả năng cao sẽ mắc các bệnh lý võng mạc hoặc các bệnh về mắt khác, mà biến chứng nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến mù lòa” - PGS. Nguyễn Xuân Hiệp nhấn mạnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, những người nghiện thuốc lá cần đi khám bác sĩ nếu thấy xuất hiện đường thẳng gợn sóng, nhìn mờ, khó nhìn thấy những thứ ở xa, hay mắt chảy nước liên tục. Những người hút thuốc lá cũng cần có chế độ ăn uống lành mạnh với các dưỡng chất như axit béo omega-3, kẽm và vitamin C, E, giúp tránh khỏi những rối loạn thị lực liên quan đến tuổi già như thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể do hút thuốc.