Bảo hiểm xã hội vẫn là trụ cột
Công tác chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động của Chính phủ trong thời gian qua đã góp phần phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, giúp người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Đặc biệt, các chính sách về bảo hiểm đã đưa chính sách tới hàng nghìn người lao động mỗi năm.
Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 37/2016/NĐ-CP theo hướng bỏ bớt thủ tục hành chính; quy định rõ hơn, thuận lợi hơn mức hỗ trợ (cao hơn); quy trình xác định đối tượng được hưởng nhanh hơn, chính xác hơn, quy trình thực hiện thuận lợi hơn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động phòng ngừa, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Giai đoạn từ năm 2016 - 2020, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng cho 14.255 trường hợp mới, giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần cho 30.633 người (trong đó chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 3.517 người). Cụ thể, số chi trợ cấp một lần bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 220 tỷ đồng/năm, tăng gấp 1,75 lần so với số chi bình quân giai đoạn 2013 - 2015, tương ứng tăng 176 tỷ đồng/năm.
Trong năm 2021, BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng trợ cấp chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng cho 2.378 người, giải quyết hưởng trợ cấp một lần đối với 4.737 người. Trung bình mỗi tháng giải quyết cho 200 người và gần 400 người hưởng trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp một lần. Số người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong năm 2021 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, số người giải quyết hưởng mới trợ cấp hàng tháng giảm 11% và 17% đối với người hưởng trợ cấp một lần.
Lý giải về vấn đề này, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ, do tình hình dịch Covid-19 làm giảm số người đi khám giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Bên cạnh đó, số lượng các đơn vị ngừng hoạt động, cắt giảm số lượng nhân công do dịch cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến số người hưởng các chế độ này trong năm 2021.
Đáng bận tâm hơn, hiện nay, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động còn chiếm tỷ lệ lớn, phần lớn chưa được đào tạo nghề, nhất là chưa được huấn luyện, trang bị bảo hộ về an toàn, vệ sinh lao động, nguy cơ cao mất an toàn lao động. Số lao động này lại không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nên khi xảy ra tai nạn, bệnh nghề nghiệp họ không được hưởng chế độ, dẫn đến gặp khó khăn trong chữa trị, không có nguồn thu nhập để duy trì ổn định cuộc sống.
Từ thực tế đó, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong lập biên bản điều tra, xác nhận tai nạn lao động. Nâng cao nhận thức của người lao động và doanh nghiệp về mục tiêu, ý nghĩa của chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách
Cũng nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng, mục đích chính của Luật An toàn vệ sinh lao động là mở rộng đối tượng sang cả khu vực lao động không có hợp đồng lao động, chuyển từ bị động giải quyết hậu quả sang chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thứ trưởng cũng thông tin, hiện nay, Bộ đang nghiên cứu về bảo hiểm tự nguyện cho người lao động không có quan hệ lao động, xây dựng một nghị định về bảo hiểm tự nguyện tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để những người không có quan hệ lao động có thể đóng vào quỹ và được hưởng như người có quan hệ lao động. Đồng thời, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các đơn vị sử dụng lao động, các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến giải quyết đóng, hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng chỉ rõ, để thực hiện tốt hơn chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, các cấp, ngành cần tích cực sử dụng hiệu quả nguồn tối đa 10% từ nguồn thu bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng năm (500 tỷ mỗi năm) để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người lao động trong cả nước phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mở rộng nội dung hỗ trợ, nâng mức bồi thường trợ cấp.
Cùng với đó, các bộ ngành địa phương xây dựng và ưu tiên nguồn lực triển khai hiệu quả chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động 2021 - 2025. Ngoài việc hoàn thiện chính sách, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác truyền thông thông tin tư vấn huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, trong đó, chú trọng vào đối tượng người lao động không có quan hệ lao động. Thêm vào đó, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp người lao động, luôn lắng nghe tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp và người lao động.