Công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2022

- Thứ Tư, 12/04/2023, 11:52 - Chia sẻ

Sáng 12.4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2022 ở Việt Nam.

Chỉ số PAPI là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI bao gồm: 8 chỉ số lĩnh vực nội dung, 29 chỉ số nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh/thành phố. Mục tiêu của chỉ số PAPI nhằm góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công, bảo đảm quyền căn bản của con người, nhất là quyền được bày tỏ chính kiến, tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ công căn bản có chất lượng.

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 cung cấp một bức tranh quan trọng về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương trong năm thứ hai của nhiệm kỳ 2021-2026, và cho thấy sự thay đổi quan điểm của người dân về hiệu quả của công tác chống tham nhũng ở địa phương trong bối cảnh người dân kỳ vọng về nền quản trị hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đánh giá cao Chương trình nghiên cứu PAPI đã có tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức và hành động của chính quyền cấp tỉnh, thiết thực góp phần thúc đẩy cải cách hành chính Nhà nước - một trong những nội dung trọng tâm của 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước ta đã và đang nỗ lực thực hiện. Do vậy, việc nghiên cứu, phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân đem lại những thông tin quan trọng, giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn”.

Với số lượng phỏng vấn cao nhất từ trước tới nay, đạt 16.117 người trả lời được lựa chọn ngẫu nhiên từ tất cả 63 tỉnh thành của Việt Nam, Báo cáo PAPI 2022 cung cấp dữ liệu và thông tin vô giá về hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp trong hai năm đầu nhiệm kỳ 2021-2026 và đóng góp cho việc xây dựng chính sách, pháp luật quan trọng trong năm 2023. Tỉ lệ người được hỏi cho rằng tham nhũng là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước tập trung giải quyết tăng 4,8% năm 2022, so với năm 2021. Xu hướng này nhất quán với những phát hiện của Chỉ số nội dung "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", với số người dân ghi nhận hiệu quả kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do tỉ lệ người dân cho rằng phải nhờ vào mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền mới xin được việc làm trong cơ quan nhà nước tăng lên và tỉ lệ người dân phải "chung chi" khi làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất cũng gia tăng…

Về hiệu quả quản trị điện tử, các cấp chính quyền địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm để người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn, tương xứng với tỉ lệ lớn người dân đang sử dụng internet hiện nay. Năm 2022, tỉ lệ người dân cho biết họ có thể thực hiện một phần dịch vụ công trực tuyến để làm thủ tục xin xác nhận của chính quyền địa phương hoặc thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thấp hơn so với năm 2021. Về việc sử dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), số người trả lời cho biết họ đã sử dụng hoặc có hồ sơ người dùng trên Cổng DVCQG còn rất thấp: chưa tới 5% số người trả lời cho biết họ đã sử dụng Cổng DVCQG cho các mục đích khác nhau và khoảng 3% đã thiết lập hồ sơ người dùng trên Cổng này.

Báo cáo cũng cho thấy, địa phương dẫn đầu chỉ số PAPI năm 2022 là tỉnh Quảng Ninh với 47,876 điểm, tiếp theo sau là tỉnh Bình Dương đạt 47,448 điểm. Tỉnh có chỉ số PAPI thấp nhất là Cao Bằng đạt 38,80 điểm. So với kết quả PAPI năm 2021, 33 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 1 "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở"; 18 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 2 "Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương" và 30 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 8 "Quản trị điện tử". Tuy nhiên, 29 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 7 "Quản trị môi trường", 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 4 "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", và 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 6 "Cung ứng dịch vụ công".

Tin và ảnh: Thanh Bình
#