Đối phó với khủng hoảng - bài học từ Bắc Âu

Ngọc Quang 04/08/2009 00:00

Ngay cả khi nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ còn đang chật vật tìm con đường thoát khỏi suy thoái, thì tại Bắc âu, các nền kinh tế vẫn khá “bình an vô sự”, nhờ sự kết hợp giữa mở cửa nền kinh tế với bảo hộ xã hội và bình đẳng xã hội.

Mô hình kinh tế tại các nước Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan được một số nhà kinh tế đánh giá đã khiến cho những nước này trở thành “kẻ chiến thắng” trước tình trạng khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu hiện nay. Từ cách thức của những nước này đối phó với cuộc khủng hoảng ngân hàng cho đến việc đẩy mạnh đề cử phụ nữ tham gia vào ban giám đốc điều hành, mô hình kinh tế Bắc Âu đã thu hút sự chú ý của cả thế giới cũng giống như mô hình của Nhật Bản hồi những năm 1980 và của Đức hồi những năm 1960.

Do thiếu một thị trường nội địa rộng lớn, việc mở cửa đối với toàn cầu hóa là điều hoàn toàn cần thiết cho các nước Bắc âu. Đó là lý do mà Công ty sản xuất thang máy Kone của Phần Lan đã phát triển thị trường của mình tại châu Á và Mỹ giống như cách mà hãng điện thoại di động Nokia đã mở rộng thị phần của mình trong 15 năm qua. Tuy nhiên các nước Bắc âu cũng nhận thức được mặt trái của toàn cầu hóa và có những biện pháp để xóa bỏ những mặt tiêu cực: đó là lưới an toàn cá nhân. Chẳng hạn như khi các nhà máy sản xuất giấy đóng cửa thì những người công nhân phải được giúp để có thể chuyển sang làm việc bằng những công nghệ mới hơn.

Phân tích sâu xa về bình đẳng xã hội, đặc biệt là trong hệ thống giáo dục, ông Jorma Ollila, chủ tịch của hãng Royal Dutch Shell, cho rằng không nên coi giai tầng xã hội là một yếu tố. Không giống như ở Anh hay một số nơi khác, tại các nước Bắc Âu, tất cả mọi người đều được hưởng một nền giáo dục tốt như nhau, không quan trọng nguồn gốc xuất thân mà quan trọng ở chỗ người đó có thể đóng góp được gì cho xã hội. Đối với vấn đề bình đẳng giới, tại Na Uy có luật bảo đảm luôn có tỷ lệ nhất định để phụ nữ tham gia vào ban điều hành công ty, do vậy Na Uy đứng đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo các công ty, tập đoàn. Tại các nước như Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch con số này cũng khá cao.

Tuy nhiên, do chủ nghĩa bình quân ở đây quá mạnh nên mô hình của các nước Bắc âu khó có thể “xuất khẩu” được. Chẳng hạn như vấn đề trả lương cho các giám đốc điều hành tại các công ty của các nước Bắc Âu. Mức lương của những giám đốc cao cấp thấp hơn nhiều so với mức độ trung bình trên thế giới, mức độ chênh lệch giữa những người thu nhập cao nhất và thấp nhất không quá chênh lệch. Cụ thể, những nhà quản lý Thụy Điển được trả mức lương cao nhất trong khu vực cũng chỉ có mức lương bằng 1/3 so với mức lương của người đồng cấp tại Đức, trong khi đó mức lương của những người quản lý Na Uy là thấp nhất với mức khoảng 480.000 USD/năm.

Mối quan hệ giữa những người quản lý và các nhân viên ít mang màu sắc phân chia giai cấp, mọi nhân viên đều có thể dễ dàng tiếp cận với người quản lý và luôn được tiếp đón một cách thân thiện. Việc những người công nhân tham gia vào chiến lược của công ty là một yếu tố quan trọng. Sự hiểu biết lẫn nhau giữa giới chủ và người làm thuê tại các nước Bắc Âu cũng được cải thiện nhiều trong những năm gần đây nên ít có những xung đột. Chẳng hạn, nếu một công ty có nhu cầu cắt giảm 30% nhân viên trong công ty thì ban điều hành công ty và những người làm công sẽ ngồi lại bàn thảo với nhau xem cắt đúng số lượng cần phải giảm hay giữ số người làm nhưng giảm một nửa thời gian làm việc.

Kinh nghiệm của các nước Bắc Âu trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng những năm 1990 đáng để học: đó là các chính trị gia ở các nước này khi đó đã không lựa chọn cách dùng chủ nghĩa bảo hộ. Chính vì vậy, các nhà hoạch định chính sách hiện nay cũng không nên lựa chọn con đường bảo hộ. Còn tất nhiên, mô hình Bắc Âu khó có thể “xuất khẩu” được vì nét truyền thống của khu vực này là yếu tố bình đẳng xã hội và một hệ thống giáo dục tốt. Điều đó khó có thể áp dụng tại các nơi khác trên thế giới.

Theo FT

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đối phó với khủng hoảng - bài học từ Bắc Âu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO