Đòi nợ có văn hóa?

Phóng sự của Nguyễn Duy Hữu 06/09/2011 07:37

Nghề đòi nợ ở nước ta đã có từ khá lâu đời. Thời kinh tế thị trường, thương mại phát triển, quan hệ làm ăn nhiều, song song với nó là hiện tượng chiếm dụng vốn của nhau, hiện tượng phá sản mất khả năng thanh toán, hiện tượng chây ỳ… có chiều hướng gia tăng. Vì thế nghề đòi nợ càng có đất làm ăn. Đã xuất hiện cả những công ty chuyên nghề đòi nợ thuê.

Đòi nợ có văn hóa? ảnh 1
Minh họa của Thúy Hằng

Đòi nợ - có mấy chiêu?

Mấy tháng nay, Huy Nam, một ông chủ công ty TNHH chuyên về xây dựng mất ăn mất ngủ vì món nợ khó đòi lên tới 500 triệu đồng. Hồi cuối năm ngoái, anh nhận thầu xây dựng một số hạng mục công trình cho trung tâm y tế nọ, trị giá gần tỷ. Họ trả được khoảng non nửa, sau đó lỳ ra, đòi thì cứ khất mãi. Sau anh đòi rát quá, cứ thấy bóng anh là nhân viên văn phòng nói giám đốc đi vắng. Có hôm Nam rình chộp được ông giám đốc, ông ấy bèn chỉ xuống phòng tài vụ, rằng tôi đã lệnh cho nhân viên kế toán trả tiền anh từ mấy tuần nay rồi mà. Xuống phòng tài vụ thì được trả lời là chưa có tiền, hẹn... khi nào có họ sẽ gọi sang. Nam dò hỏi, và qua mấy buổi điều tra thì thấy rõ là họ đang cố tình chây ỳ. Trung tâm y tế mỗi ngày thu hàng chục triệu đồng, làm gì đến nỗi không có tiền, vả lại tiền xây dựng đã được chuyển từ kho bạc về mấy tháng nay rồi. Thì ra ông giám đốc cùng phòng tài vụ đem tiền ấy... gửi tiết kiệm. Thấy ngọt nhạt mãi không xong, có người mách, Nam bèn tìm đến một tay đầu gấu là Hiền “chột” nhờ đòi tiền hộ với mức hoa hồng tới 35%. Hiền chột lấy trước 20 triệu, gọi là tiền nước nôi cho đàn em. Hôm sau Hiền dẫn hơn chục tên thủ hạ mang theo “hàng lạnh” đến nhà ông giám đốc trung tâm y tế, cả nhà sợ run. Hiền chột lạnh lùng rằng, ông nợ thằng em tôi vài trăm triệu, liệu mà giả đi, tiền nhà nước chứ tiền riêng đâu, tiền quý hay mạng quý. Lần sau tôi còn phải đến thì sẽ không nói chuyện tử tế thế này đâu. Ông giám đốc mặt xanh như đổ chàm, một hai xin hứa ngay hôm sau sẽ trả. Quả nhiên chưa đầy một tuần, Huy Nam đã được gọi đến thanh toán sòng phẳng. Tôi hỏi Nam sao anh không báo lên cấp trên của ông giám đốc đó hoặc kiện ra tòa đòi tiền, việc gì phải thuê đầu gấu cho tốn kém. Nam bảo: báo lên cấp trên của ông ta thì được tích sự gì, cấp trên nào bắt được hắn trả tiền, cùng lắm là họ nhắc nhở nhưng hắn cứ cù nhầy thì ai hơi đâu mà đòi giúp mình. Kiện ư, xin thưa thủ tục để đưa vụ việc ra tòa phải mất tới vài tháng, chưa kể khi thi hành án cũng lại hàng năm. Mà ông bảo ra tòa thì mình không mất tiền à. Có được bản án rồi nhưng để thi hành cũng đâu có dễ, cũng lại phải có khoản “đầu tiên”. Tính ra quá tội số 35% thuê đầu gấu.

Sử dụng đầu gấu

Rất nhiều người khi cần đòi nợ là tìm đến đầu gấu, mức phí thông thường từ 35 - 40%, có khoản nợ khó đòi, tiền hoa hồng lên tới 50%. Các đàn em của một trùm xã hội đen khét tiếng Hà Nội (đã bị xử bắn mấy năm trước) nay tập hợp lại sống bằng nghề đòi nợ thuê. Ngoài việc đòi tiền bằng cách dùng vũ lực đe dọa, đám này còn có kiểu đòi: thuê thương binh đến cơ quan con nợ, ngồi lì ăn vạ ở đấy, mang cả điếu cày đến hút sòng sọc, xịt bã ra sàn nhà rồi nhổ bậy lung tung. Có khách đến giao dịch với công ty, bọn họ liền đồng thanh nói rằng doanh nghiệp này đang nợ đầm đìa, sắp phá sản đến nơi. Cứ thế hàng tháng liền, không để cho con nợ làm ăn được gì. Con nợ gọi cảnh sát 113 đến, nhưng cảnh sát đến rồi phải đi ngay vì bọn họ trình bày rằng mình không gây mất trật tự, chỉ đi đòi tiền, chả có cớ gì mà bắt. Vả lại họ đều là thương binh, đụng đến cũng phiền. Chiêu đòi nợ này thành công tới 99%. Không chỉ dùng thương binh để đòi nợ, mà trong một số việc khác như để chống giải tỏa mặt bằng, để gây áp lực với cơ quan nhà nước... đám này cũng lợi dụng thương binh, có dịp tôi sẽ đề cập ở những bài viết khác.

Luận sẹo – một đại ca cũng đang hành nghề đòi nợ thuê lại có độc chiêu khác: cho đàn em tịch thu bất cứ thứ gì đáng giá của con nợ (con nợ cứ ra khỏi cửa là bị quây lại lột sạch sành sanh, chỉ trơ cái... quần đùi). Một lần Luận sẹo nhận đòi 170 triệu đồng của một con nợ là T. Luận cho đàn em đến nhà T bắt nợ nhưng số tài sản bị tịch thu chưa thấm tháp gì so với số nợ. Luận cho người theo dõi T, biết T có cô người yêu là H, thế là hôm đó rình khi T đến chơi nhà H, Luận cùng đàn em lập tức ùa vào nhà cô H, đưa tờ giấy ghi nợ rồi đòi gia đình H phải trả nợ giúp “con rể tương lai”. Dĩ nhiên đòi hỏi vô lý này không ai chấp nhận, nhưng một phen như thế cũng khiến cho T mất mặt còn gia đình H thì hoảng hồn. Ngay lúc ấy T phải hứa sống hứa chết và viết giấy cam kết là sẽ trả nợ trong vòng một tuần, xin đại ca Luận đừng quấy rầy nhà người yêu nữa. Một lần Luận nhận đòi nợ công ty TNHH nọ. Luận cho đàn em phục kích ở cửa công ty, có một vị khách đi xe Dylan đến giao dịch, lập tức Luận cho đàn em ra... giữ chiếc xe ấy lại, nói với vị khách là mượn tạm chiếc xe ít ngày, chờ thằng giám đốc kia trả tiền. Giám đốc công ty hoảng quá chạy ra xin, Luận hất hàm: trao tiền thì mới trả xe. Chủ xe móc di động ra định gọi cho cảnh sát thì Luận sẹo vỗ nhẹ vai nẹt rằng trước khi cảnh sát đến thì chiếc xe sẽ bị đập nát nhừ và bọn anh sẽ biến mất, chú có lên giời mà kiện. Nghĩ kỹ đi, bọn anh chỉ mượn tạm cái xe này để ép thằng giám đốc kia mau chóng nôn tiền ra, xong việc sẽ trả xe cho chú, đảm bảo không xước một vẩy sơn...

Thời gian gần đây ở Hà Nội xuất hiện một số công ty đăng ký kinh doanh nghề thu hồi nợ (một cách nói văn hoa của đòi nợ thuê) nhưng xem chừng cách thức đòi nợ vẫn một kiểu “bình cũ rượu... cũng cũ”, nghĩa là dùng du côn đến dọa nạt. Phần trăm “hoa hồng” chi lại cho công ty tùy độ khó dễ của vụ việc nhưng phổ biến ở mức 35 - 45%, nghĩa là cũng bằng với thuê đầu gấu. Mà sự thực thì nhiều công ty cũng là do... đầu gấu lập ra. Mới đây công an Hà Nội đã bắt toàn bộ hai mươi tư nhân viên cùng giám đốc công ty cổ phần thu nợ Phương Đông vì hành vi bắt người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Bọn này đòi nợ chị Tân ở Láng Hạ số tiền 600 triệu đồng. Chị Tân không có tiền trả, bọn chúng ngang nhiên kéo đến bao vây nhà chị, mang theo tuýp nước làm hung khí trấn áp. Hoảng quá chị Tân cùng em chồng phải thuê tắc xi định trốn về quê nhưng bị đuổi theo và bị bắt, áp giải về trụ sở công ty Phương Đông. Tại đây bọn chúng bắt chị ghi giấy nhận nợ và phải trả ngay trong ngày. Rất may em chị trốn được và đi báo công an. Theo điều tra của công an Hà Nội thì công ty này toàn người có thành tích bất hảo, ông phó giám đốc công ty mới hăm bảy tuổi mà đã có tới... ba tiền án. Bọn này đã thực hiện trót lọt bảy mươi vụ đòi nợ, mỗi vụ tối thiểu cũng 40 - 50 triệu đồng. Bọn chúng dùng mấy cách thức sau để đòi nợ: đưa nhiều người đến nơi ở áp đảo con nợ; mai phục, bắt con nợ về trụ sở công ty để uy hiếp; đưa người đến nơi ở, nơi làm việc của con nợ để nói xấu, chửi bới gây mất uy tín...

Đòi nợ… có văn hóa

Một công ty có uy tín trong việc đòi nợ thuê là công ty TNHH Dân An, được đánh giá là một công ty đòi nợ có văn hóa. Nhân viên của Dân An hầu hết tốt nghiệp đại học luật. Thường khi đòi một món nợ, Dân An cử bốn - năm người, quần áo tề chỉnh, tay xách cặp táp sang trọng, đi một xe con đến gặp con nợ trình bày điều hơn lẽ thiệt, viện dẫn các căn cứ pháp lý, phân tích cho con nợ thấy hậu quả nếu không thanh toán nghĩa vụ. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng áp dụng được cách lịch sự này. Có nhiều con nợ trốn tránh hoặc chây ỳ, Dân An cũng phải dùng cách “khủng bố”. Lần đòi nợ công ty điện tử Đ, Dân An phải cho dán một khẩu hiệu to tướng trên cửa kính chiếc xe mười hai chỗ: “Yêu cầu công ty điện tử Đ trả nợ” rồi đậu hàng tuần liền trước cửa công ty đó, trên băng rôn còn ghi rõ cả tên giám đốc và địa chỉ nhà riêng. Có nhiều trường hợp Dân An tìm hiểu kỹ các đối tác của con nợ rồi chơi “đòn cân não” rằng nếu con nợ vẫn tiếp tục ỳ ra không trả, Dân An sẽ gửi văn bản đến tất cả các đối tác của họ, cho họ mất đường làm ăn.

Nhu cầu thu hồi nợ trong xã hội là rất lớn, trung bình hàng tháng Dân An nhận được hàng chục hợp đồng, có hợp đồng lớn tới 20 tỷ đồng, có cả những công ty nước ngoài nhờ thu hồi nợ. Như vậy có thể thấy đòi nợ thuê cũng là một nghề cần thiết cho xã hội. Có nhiều chủ nợ nhờ đòi được món nợ mà thoát khỏi nguy cơ phá sản.

Tuy nhiên đòi nợ vẫn là một nghề rất nhạy cảm, ranh giới giữa chính và tà rất mờ nhạt. Có người vì thấy sự phức tạp của nghề này mà kiến nghị nên thu hồi giấy phép của các công ty hoạt động thu hồi nợ. Tuy nhiên hiện chưa có điều luật nào cấm đi đòi nợ thuê. Có điều xin nhắc nhở những cá nhân cũng như tổ chức hành nghề này phải luôn tuân thủ pháp luật, vẫn đòi được nợ mà lại đàng hoàng, có văn hóa mới là tài.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đòi nợ có văn hóa?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO