Đội ngũ cán bộ chủ chốt của HĐND phải hoạt động chuyên trách
Theo ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH TÂY NINH LÂM TẤN ĐÔNG, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, phải đặc biệt chú trọng chất lượng và tính chuyên nghiệp của đại biểu. Tiến tới, đội ngũ cán bộ chủ chốt HĐND đều phải hoạt động chuyên trách.
PV: Thưa ủy viên Thường trực, được biết nhiệm kỳ qua, HĐND tỉnh Tây Ninh đã có nhiều cố gắng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động?
UVTT Lâm Tấn Đông: Hoạt động trong một nhiệm kỳ kéo dài gặp không ít khó khăn, nhưng HĐND tỉnh Tây Ninh đã có nhiều cố gắng, chất lượng, hiệu quả được nâng lên rõ rệt. Các kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thẩm tra để nâng cao chất lượng nghị quyết; báo cáo, đề án được trình bày cô đọng, xúc tích, tăng thời gian thảo luận. Đặc biệt, hiệu quả chất vấn được nâng lên, nhiều vấn đề bức xúc dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra chất vấn để làm rõ và giải quyết dứt điểm. Như: vấn đề chi chuyển nguồn ngân sách lớn qua nhiều năm; tình trạng chậm triển khai quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, một số dự án sử dụng đất lớn nhưng kém hiệu quả; vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, tiến độ và chất lượng một số công trình xây dựng cơ bản không bảo đảm; tình trạng chậm quyết toán một số công trình xây dựng cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng; xử lý ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và hệ thống sông Vàm Cỏ; việc chậm triển khai các chính sách hỗ trợ liên quan trực tiếp đến người dân… Với tinh thần trách nhiệm và thái độ quyết liệt, đại biểu đã làm rõ nguyên nhân những bất cập và yêu cầu có giải pháp khắc khục, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành liên quan giúp UBND tỉnh kịp thời xử lý những vướng mắc, hạn chế để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH của địa phương.
Hoạt động giám sát cũng có tiến bộ, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm về KT - XH, những bức xúc được đông đảo cử tri quan tâm. HĐND đã tăng cường khảo sát tại cơ sở, nắm thông tin thực tế để có những nhận định, đánh giá chính xác khi làm việc với cơ quan, đơn vị liên quan. Phần lớn kiến nghị sau giám sát của HĐND đã được UBND, các cơ quan chức năng chỉ đạo giải quyết và tổ chức thực hiện. Kết quả giám sát, khảo sát cũng đã cung cấp nhiều thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác điều hành của cấp ủy, UBND và các cơ quan chuyên môn.
Hoạt động TXCT cũng chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng mở rộng đối tượng tham dự; chú trọng mời lãnh đạo chính quyền địa phương và ngành chuyên môn tham gia để giải trình kịp thời những vấn đề cử tri kiến nghị. Hầu hết ý kiến, kiến nghị sau các đợt tiếp xúc đã được các cơ quan chức năng giải quyết, trả lời. Công tác tiếp dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm, qua đó kịp thời xem xét, hướng dẫn và chuyển đơn thư đến các cơ quan hữu quan để giải quyết. Đối với một số vụ việc khiếu kiện kéo dài, đã có quyết định giải quyết của UBND tỉnh nhưng chậm thi hành, Thường trực HĐND chủ động trao đổi, yêu cầu UBND tỉnh có hướng xử lý dứt điểm, hoặc tổ chức khảo sát, giám sát để có cơ sở kiến nghị cơ quan thẩm quyền giải quyết. Nhìn chung, đây là một nhiệm kỳ HĐND có nhiều đổi mới thiết thực và hiệu quả.
PV: Bên cạnh những kết quả đại biểu và cử tri hài lòng, theo ủy viên Thường trực, hoạt động của HĐND còn khó khăn, vướng mắc ở những điểm nào?
UVTT Lâm Tấn Đông: Tuy chất lượng, hiệu quả hoạt động đã được nâng lên đáng kể, nhưng việc thực hiện chức năng quyết định của HĐND có lúc chưa đầy đủ, kịp thời, một số nghị quyết hiệu quả đạt được còn thấp. Chất lượng, đặc biệt là tính phản biện của các báo cáo thẩm tra chưa cao, chưa đi sâu phân tích những hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển KT - XH để đề xuất những giải pháp khả thi, mang lại hiệu quả thiết thực. Số đại biểu tham gia chất vấn tại các kỳ họp chưa nhiều, nhiều câu hỏi còn đi vào những vấn đề vụn vặt, một số nội dung chưa sâu sát với tình hình thực tế ở địa phương hoặc chủ yếu hỏi để biết thêm thông tin, chưa nhằm làm rõ trách nhiệm ngành hữu quan và giải pháp tháo gỡ.
Hiệu quả giám sát, khảo sát giữa 2 kỳ họp còn thấp, nhất là việc xem xét các vụ án có khiếu kiện kéo dài, đặc biệt là án dân sự. Thực tế, đơn thư của công dân gửi đến cơ quan dân cử phần lớn liên quan đến những sai sót với những mức độ, khía cạnh khác nhau của cơ quan nhà nước hoặc cá nhân cán bộ, công chức. Tuy nhiên, các vụ án hình sự, dân sự thường được phản ánh đến cơ quan dân cử khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. Phần lớn các vụ án đều đã được xét xử qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Theo quy định, để giải quyết những vấn đề chưa đúng quy định của pháp luật đối với những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thực hiện theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thông qua kháng nghị của Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND cấp cao hơn. Vì vậy, sau giám sát, HĐND phải kiến nghị với Tòa án, Viện Kiểm sát cấp cao hơn cấp đã ra quyết định, bản án, chứ không phải kiến nghị với cơ quan chịu sự giám sát. Đây là một trở ngại lớn đối với HĐND. Bởi, qua giám sát phát hiện sai sót, Thường trực HĐND tỉnh phải gửi văn bản kiến nghị Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC xem xét, xử lý, nhưng trên thực tế không được hồi âm (vì Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 không quy định rõ vấn đề này). Điều này phần nào đã hạn chế hiệu quả giám sát và giảm lòng tin của người dân đối với các cơ quan dân cử.
PV: Đâu là nguyên nhân của những hạn chế trên, thưa ủy viên Thường trực?
UVTT Lâm Tấn Đông: Những hạn chế trên, trước hết do trình độ đại biểu không đồng đều, một số năng lực còn hạn chế, trong khi bộ máy tham mưu, giúp việc chưa đủ mạnh để giúp HĐND xem xét, quyết định những vấn đề phức tạp, có tính chuyên môn cao. Ví dụ, ngoài những khó khăn khi giám sát vấn đề thực thi pháp luật như trên, theo quy định, HĐND tỉnh có thẩm quyền rất lớn trong việc quyết định ngân sách của địa phương, nhưng hiện nay số đại biểu am hiểu về lĩnh vực này còn ít, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng và hiệu quả các quyết định của HĐND. Mặt khác, phần lớn đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm không có điều kiện nghiên cứu, tham gia các hoạt động của HĐND, trong khi việc cung cấp thông tin cho đại biểu cũng chưa thường xuyên, kịp thời, chủ yếu chỉ thực hiện tại kỳ họp… Về khách quan, do nhận thức chưa đúng và đầy đủ của các cấp, ngành, của một số cán bộ, công chức và nhân dân về vị trí, vai trò của HĐND và đại biểu HĐND. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử địa phương.
PV: Vậy, có thể khái quát những kinh nghiệm gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử địa phương?
Trước hết cần coi trọng chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động của đại biểu. Đặc biệt, phải bố trí đại biểu chuyên trách vào các vị trí lãnh đạo, hạn chế việc luân chuyển đại biểu chuyên trách để tạo ổn định cho hoạt động của HĐND. Tiến tới, phải tăng số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, trước hết là đội ngũ Trưởng, Phó các ban và Thường trực HĐND.
Bên cạnh tăng số lượng đại biểu chuyên trách, cần quy định rõ chế độ đãi ngộ và trách nhiệm để đại biểu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; đặc biệt phải xác định rõ địa vị pháp lý của Thường trực HĐND. Một vấn đề quan trọng nữa là cần ban hành luật về hoạt động giám sát của HĐND các cấp, xác định cụ thể trách nhiệm của chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát (quy định chế tài đối với những trường hợp không thực hiện kiến nghị sau giám sát). Cũng cần quan tâm đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy giúp việc HĐND, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để nâng cao chất lượng tham mưu, tổng hợp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND.
PV: Xin cám ơn ủy viên Thường trực!