Phiên họp của Thường trực HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021

Đổi mới và trách nhiệm

- Thứ Hai, 07/06/2021, 05:21 - Chia sẻ
Với việc lựa chọn nội dung đúng trọng tâm, trọng điểm, cùng với nhiều đổi mới, linh hoạt trong cách thức tổ chức để phát huy dân chủ và trí tuệ của đại biểu, các phiên họp của Thường trực HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 không chỉ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát mà còn làm rõ trách nhiệm, chỉ ra nhiều giải pháp quan trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh chú trọng những nội dung cấp thiết, nổi cộm, kinh nghiệm cho thấy, kết luận của Chủ tọa cần xác định trách nhiệm cụ thể của từng đối tượng, yêu cầu khung thời hạn hoàn thành đối với từng nội dung công việc.
Phiên họp thường kỳ tháng 5.2021 của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam
Ảnh: Hải Yến

Không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát

Nhiệm kỳ 2011 - 2016, khi Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 chưa có quy định cụ thể, nội dung các phiên họp của Thường trực HĐND nhiều địa phương chủ yếu là nghe báo cáo kết quả công tác trong tháng và triển khai nhiệm vụ tháng tiếp theo. Hoạt động rà soát, đôn đốc việc triển khai thực hiện nghị quyết HĐND cũng như tổ chức giám sát giữa hai kỳ họp để đôn đốc việc giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm, tồn đọng ở địa phương rất ít được thực hiện.

Từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có hiệu lực, Thường trực HĐND nhiều địa phương nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhất là cấp tỉnh đã chủ động quán triệt, bám sát các quy định của Luật và thực tiễn tại địa phương, cải tiến phương thức tổ chức và cân nhắc, lựa chọn các nội dung đưa vào phiên họp của Thường trực HĐND. Trong đó, trọng tâm là hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình về các nội dung, lĩnh vực còn gặp khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Với việc lựa chọn nội dung đưa vào các phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND đúng trọng tâm, trọng điểm, cùng với nhiều đổi mới, linh hoạt trong cách thức tổ chức để phát huy dân chủ và trí tuệ của đại biểu, nhiều nội dung phức tạp, tồn đọng kéo dài bước đầu đã được bàn thảo, gợi mở cho các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động chất vấn, giải trình, ngay sau các phiên họp, Thường trực HĐND đã kịp thời chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề cụ thể, có những nội dung cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Hoạt động chất vấn, giải trình tại các phiên họp Thường trực HĐND còn giúp rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát, việc thực hiện các nội dung chất vấn để Thường trực HĐND tiếp tục đôn đốc, giám sát việc thực hiện.

Có thể thấy, việc tổ chức các phiên họp của Thường trực HĐND trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, được đại biểu và cử tri đánh giá cao. Hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND nói chung và Thường trực nói riêng mà còn làm rõ trách nhiệm, chỉ ra nhiều giải pháp quan trọng cho các cấp, các ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đôn đốc thực hiện kết luận bằng nhiều cách thức

Kinh nghiệm cho thấy, để tiếp tục nâng cao chất lượng và tổ chức tốt các phiên họp Thường trực HĐND, trước hết, việc lựa chọn các nội dung có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành công của mỗi phiên họp. Ngay khi kết thúc phiên họp của tháng này, Thường trực HĐND cần chủ động hội ý, xem xét, chỉ đạo các Ban HĐND và Văn phòng HĐND phối hợp, tham mưu lựa chọn, đề xuất, thống nhất nội dung trọng tâm cho phiên họp tháng tiếp theo. Ngoài nội dung phiên họp thường kỳ hàng tháng của Thường trực HĐND, các nội dung cần được ưu tiên lựa chọn chủ yếu là: giám sát tiến độ triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND đã ban hành; kết quả thực hiện các cam kết tại phiên chất vấn - trả lời chất vấn của kỳ họp HĐND; kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; việc triển khai thực hiện kiến nghị qua giám sát của các Ban HĐND.

Trong đó, chú trọng những nội dung mang tính cấp thiết, nổi cộm, vướng mắc, tồn đọng tại địa phương, nhất là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân như: việc quản lý, sử dụng đất; khai thác tài nguyên khoáng sản; vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch; việc chậm triển khai các dự án đã được giao đất, thuê đất; việc xử lý các “điểm nóng” ô nhiễm môi trường… Với vai trò của mình, cơ quan tham mưu, giúp việc cần xây dựng kế hoạch tổ chức khảo sát của Thường trực HĐND hoặc yêu cầu UBND làm rõ một số nội dung, bổ sung hồ sơ theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh; thực hiện tốt công tác tham mưu trong sưu tầm văn bản, tài liệu và tổng hợp, phân tích các nội dung liên quan, cung cấp thông tin phục vụ Chủ tọa điều hành và kết luận từng nội dung tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh.

Với vai trò “cầm cân nảy mực”, yêu cầu đặt ra với Chủ tọa điều hành phiên họp linh hoạt, bảo đảm phát huy được sự tập trung dân chủ với tinh thần xây dựng. Kết luận gọn rõ, đánh giá đúng thực chất kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân; xác định trách nhiệm cụ thể của từng đối tượng, nêu những giải pháp để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời có yêu cầu và khung thời hạn hoàn thành đối với từng nội dung công việc. Ngay sau mỗi phiên họp, Thường trực HĐND cần kịp thời phân công theo dõi, giám sát việc thực hiện bằng nhiều cách thức để tích cực đôn đốc việc thực hiện các kết luận của phiên họp.

PHƯƠNG NGUYÊN