Tham dự chương trình có: Ông Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp; PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; TS. Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.
Cùng dự còn có ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, Giáo dục Pháp luật, Bộ Tư pháp.
![Talkshow: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật – nhìn từ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh toan-canh-talkshowz6304249997052-34f00548c15e20e3466d30e41f1f15c7-3581.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/2cd8f6c7354f084a763abfccd30bc962c1b0756bf376651a7ba76359e5c8290bd4a6251ab04b78d40b71c4bd54c19b58b6908044273b57b61391123c633b6ce58fc4220912559c3713ee9c7e514ddc99f89962009d79fbc1ca8cc34ec0562e5e5a84ccedfe722b71135366c523369ebf/toan-canh-talkshowz6304249997052-34f00548c15e20e3466d30e41f1f15c7-3581.jpg)
Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường tháng 2.2025 theo quy trình tại một kỳ họp với trình tự, thủ tục rút gọn.
Chia sẻ tại chương trình, các chuyên gia đều nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật BHVBQPPL ở thời điểm này rất cần thiết, nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là quan điểm, chủ trương đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để chúng ta tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn với tổ chức thực hiện pháp luật.
Ngoài ra, việc xây dựng Luật nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế qua hơn 8 năm thi hành Luật BHVBQPPL năm 2015, tạo khung khổ pháp lý kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về thể chế, khơi thông các nguồn lực để đất nước phát triển đột phá, bảo đảm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Việc trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật về tổ chức, tạo sự đồng bộ trong việc tổ chức thi hành từ đó tạo cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi luật lần này nhằm khắc phục những hạn chế trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, tạo ra khuôn khổ pháp lý để chúng ta đổi mới tư duy, quy trình xây dựng VBQPPL. Qua đó nâng cao chất lượng ban hành các VBQPPL, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế để phát triển triển kinh tế - xã hội.
![Ông Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp. Ảnh: Quang Khánh talk04.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/66f6cb1ffc789f81c811f5f3f001667b7428228dbd1415686892b3dc24a7d3252b93bce4b5b876c59069228acf713e1b/talk04.jpg)
Để khắc phục những điểm nghẽn này, các chuyên gia cũng đánh giá cao dự thảo Luật đã thể hiện tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Dự thảo luật quy định rõ về quy trình xây dựng pháp luật và thể hiện rõ sự tách bạch quy trình làm chính sách với việc lập đề nghị chương trình xây dựng luật. Việc lập chương trình không phụ thuộc vào việc làm chính sách hay thực hiện quy trình chính sách.
![Talkshow: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật – nhìn từ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh talk06.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/66f6cb1ffc789f81c811f5f3f001667be61fa365a65db6539299c138ed19220d2b93bce4b5b876c59069228acf713e1b/talk06.jpg)
“Việc làm luật là để theo dòng chảy thực tiễn, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, phù hợp với thể chế, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước” – ông Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
![PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Quang Khánh talk05.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/66f6cb1ffc789f81c811f5f3f001667badb34d9c95466cdeab14fd149634f3932b93bce4b5b876c59069228acf713e1b/talk05.jpg)
Để đáp ứng yêu thực tiễn, thời gian vừa qua Đảng, Nhà nước có rất nhiều chính sách mới mang tính đột phá cho phát triển kinh tế, xã hội cần phải thể chế ngay thành pháp luật. Vì vậy, ngoài quy định về trình tự thủ tục rút gọn, trong luật đã bổ sung vào quy định mới để xác định rõ những trường hợp nào được thực hiện quy trình, thủ tục rút gọn.
![TS. Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp. Ảnh: Quang Khánh c1.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/66f6cb1ffc789f81c811f5f3f001667bd0ac25553b3c603578007da343251c87092e60fcc33c04fcfdcf60c3968ef108/c1.jpg)
Ngoài ra, trong dự thảo Luật cũng quy định trong trường hợp đặc biệt Quốc hội, Ủy ban Thường Quốc hội, Chính phủ có thể ban hành các văn bản để giải quyết ngay các vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, trong trường hợp này phải đáp ứng yêu cầu, đó là phải được cấp ủy Đảng có thẩm quyền cho ý kiến để thực hiện. Với những trường hợp đặc biệt này, việc xây dựng văn bản quy trình rất đơn giản, có thể Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ giao cho cơ quan chủ trì soạn thảo và trình Quốc hội, trình Ủy ban Thường vụ và báo cáo Chính phủ để ban hành ngay.
Với những quy định mới, thể hiện tư duy đổi mới trong quy trình xây dựng pháp luật, các chuyên gia tin tưởng rằng, dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) nếu được Quốc hội thông qua sẽ mang lại nhiều lợi ích: đơn giản hóa quy định thủ tục trong xây dựng VBQPPL, giảm chi phí, tiết kiệm nguồn nhân lực, tài chính. Đặc biệt, trao quyền chủ động cho các cơ quan có thẩm quyền lập pháp, tạo sự chủ động hơn cho các cơ quan trong quá trình xây dựng VBQPPL, tạo không gian mở cho công tác xây dựng pháp luật, khơi thông kịp thời các điểm nghẽn về thể chế, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.