Thực chất và hiệu quả
Theo TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL (Bộ Tư pháp), thời gian qua, Bộ Tư pháp luôn xác định việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PBGDPL một cách thực chất, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cộng đồng là nhiệm vụ trọng tâm.
Hàng năm, Bộ Tư pháp đều tham mưu trình Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương ban hành theo thẩm quyền các kế hoạch, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai công tác PBGDPL trên phạm vi toàn quốc; trong đó, xác định rõ, yêu cầu đổi mới công tác PBGDPL trong điều kiện hiện nay là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thực hiện chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW. Nhờ đó, công tác quản lý nhà nước về PBGDPL được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm, ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả; vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL ngày càng được phát huy.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu giải pháp đổi mới công tác PBGDPL, trong đó tập trung triển khai các Đề án PBGDPL mới, gồm: "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027", "Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL", "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân", "Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024 - 2030".
Chia sẻ thêm về kết quả thực hiện Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" (Đề án 977), Phó Cục trưởng Cục PBGDPL (PBGDPL) Ngô Quỳnh Hoa cho biết, qua 2 năm thực hiện, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành và Sở Tư pháp đã triển khai nhiều hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho trên 30.000 báo cáo viên pháp luật trên toàn quốc và gần 158.000 tuyên truyền viên pháp luật.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã kiện toàn đội ngũ nhân lực có kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ thông tin pháp luật PBGDPL, tư vấn, trợ giúp pháp lý; xây dựng, triển khai các chương trình PBGDPL, tư vấn, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng. Theo thống kê mới nhất từ Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31.10.2024, 59/63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã tiếp nhận 3.014 lượt thông tin từ Tòa án nhân dân, trong đó có 2.550 vụ việc trợ giúp pháp lý.
Thống nhất, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương
TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL nhấn mạnh, công tác PBGDPL được thực hiện đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, huy động được sự tham gia của các lực lượng ở cơ sở. Từ năm 2023 đến nay, các địa phương đã tổ chức gần 680 nghìn cuộc PBGDPL trực tiếp cho hơn 60 triệu lượt người; tổ chức gần 14 nghìn cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho gần 16 triệu lượt người dự thi; phát hành gần 65 triệu tài liệu PBGDPL.
Hơn nữa, công tác truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật được Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, với hình thức phong phú, đa dạng; huy động được sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và luật sư, luật gia, nhà khoa học tham gia góp ý, phản biện dự thảo chính sách; từ đó, góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm tính minh bạch, hợp lý, tăng cường chất lượng, tính khả thi của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
"Nội dung PBGDPL được đổi mới theo hướng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; tập trung triển khai các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội mới được ban hành, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…" - TS. Lê Vệ Quốc khẳng định.
Bên cạnh các hình thức PBGDPL truyền thống, nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả về PBGDPL, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng triển khai đạt hiệu quả cao. Điển hình như thành lập các fanpage cung cấp thông tin pháp luật; xây dựng các Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL hoặc chuyên mục về PBGDPL trên các Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương. Các hoạt động hưởng ứng ngày Pháp luật cũng trở thành hoạt động nền nếp, được triển khai hàng năm với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực…
Tiếp tục tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm
Để triển khai kịp thời hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng đã đề ra tại Nghị quyết số 27 và thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư, lãnh đạo Cục PBGDPL cho biết, ngành tư pháp tiếp tục xác định, PBGDPL, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Hiến pháp, pháp luật, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là nhiệm vụ trọng tâm của công tác PBGDPL, cần ưu tiên hàng đầu.
Trong đó, chú trọng truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội và bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; xác định Nhà nước giữ vai trò nòng cốt để xây dựng, thiết lập các điều kiện cần thiết giúp người dân tiếp cận, chủ động chấp hành, tuân thủ, sử dụng pháp luật...
Song song với đó, đổi mới nội dung PBGDPL, đa dạng hóa các hình thức, cách thức triển khai thực hiện, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, chú trọng đối tượng đặc thù; bám sát các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, các vấn đề nổi cộm. Đặc biệt, tăng cường hoạt động đối thoại, giải đáp vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật; phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan thông tấn, báo chí trong PBGDPL.
Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong PBGDPL cũng là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân. TS. Lê Vệ Quốc khẳng định, năm 2025, ngành tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia văn bản quy phạm pháp luật; đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia và các cơ sở dữ liệu thông tin về pháp luật khác...
Đặc biệt, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ tham mưu công tác PBGDPL; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng chuyên sâu, chuyên biệt cho đối tượng đặc thù, yếu thế; phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức hành nghề luật như luật sư, luật gia; có chính sách ưu tiên sử dụng đội ngũ người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số tham gia PBGDPL.