Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa và Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường đồng chủ trì hội thảo.
Cùng dự có: Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý; đại diện một số bộ, ngành, chuyên gia và nhà khoa học.
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu nêu rõ, lập pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội. Chức năng này đã được quy định trong các bản Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013) và được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật khác.
Từ khi Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác lập pháp, đổi mới tư duy, sáng tạo trong hoạt động lập pháp (đổi mới quy trình lập pháp). Hoạt động lập pháp của Quốc hội cũng ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh. Đặc biệt, từ năm 2002 đến nay, điểm đổi mới quan trọng trong quy trình lập pháp là chuyển giao thẩm quyền chủ trì giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật từ cơ quan, tổ chức trình dự án Luật cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Số lượng các văn bản pháp luật được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày càng nhiều, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh, đối ngoại…
Các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện quy trình lập pháp mới vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định rõ về quy trình giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật; còn sự chồng chéo giữa các luật, làm giảm tính minh bạch của pháp luật, khiến pháp luật trở nên khó hiểu và khó áp dụng. Ngoài ra, hiệu lực và hiệu quả điều chỉnh các quan hệ xã hội thấp; các xung đột, chồng chéo này cũng là những cản trở đối với việc thực hiện pháp luật, làm giảm niềm tin của Nhân dân vào pháp luật, tạo cơ hội phát sinh các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực và tham nhũng.
Do đó, các đại biểu kiến nghị, chiến lược lâu dài sắp tới cần đặt ra là phải chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật. Không chỉ vậy, tư duy đổi mới cần thể hiện ở việc đổi mới quy trình lập pháp, tránh tình trạng cơ quan soạn thảo mất quyền tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật khi trình sang Quốc hội, vai trò của cơ quan thẩm tra trở thành cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Đồng thời, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của Nhân dân trong quá trình xây dựng luật; đánh giá tác động của các dự án Luật một cách thực chất; xây dựng đội ngũ chuyên gia thực thụ trong nghiên cứu, đề xuất chính sách pháp luật cũng như thẩm tra các dự án Luật…