Đổi mới tư duy là quyết định
Đường lối Đổi mới tại Đại hội VI của Đảng năm 1986 xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của cuộc sống, từ cuộc đấu tranh gay gắt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, tư tưởng. Thành công của đổi mới chính là đổi mới từ tư duy. Đổi mới là phải tiến lên, phải thay đổi. Đó là khẳng định của nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại VŨ MÃO khi trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân.
Cái đêm hôm ấy… đêm gì
Sau 30 năm đổi mới, nước ta đã đạt những thành tựu quan trọng. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, thiếu lương thực, trở thành nước xuất khẩu gạo với khối lượng lớn. Nước ta đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển. Diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên (đạt ngưỡng thu nhập trung bình); đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Chính sách an sinh xã hội được bảo đảm. Nước ta đã và đang hội nhập sâu rộng hơn vào cộng đồng quốc tế. Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Vũ Mão |
- Thưa ông, “đêm trước đổi mới”, tình hình kinh tế - xã hội nước ta lúc bấy giờ như thế nào?
- Trước thềm đổi mới, đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta phải nhập khẩu lương thực, thậm chí vay, mượn các nước để trang trải cuộc sống. Về mặt khách quan, miền Nam vừa mới được giải phóng, nước ta lại phải đối mặt với chiến tranh biên giới phía Tây Nam, biên giới phía Bắc, rồi bị bao vây cấm vận. Về mặt chủ quan, đã xuất hiện tâm lý kiêu ngạo, chủ quan, giữ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, không phát huy được tiềm lực của con người, không giải phóng được sức sản xuất. Chúng ta muốn làm ăn tập thể, tiến lên sản xuất lớn. Quan điểm này không phù hợp với thực tiễn.
- Trong bối cảnh đó, phong trào đổi mới đã diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Đổi mới là một quá trình đấu tranh quyết liệt trên các mặt trận kinh tế - xã hội, văn hóa, tư tưởng. Điển hình cho phong trào đổi mới là cuộc cải cách giá - lương - tiền tại tỉnh Long An. Nơi đây đã chủ động tìm ra thực chất giá trị của sản phẩm, giá trị của sức lao động và giá trị của tiền lương. Tại TP Hồ Chí Minh, đổi mới diễn ra bền bỉ, âm ỉ và kiên trì. Lãnh đạo thành phố như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt là những tấm gương của đổi mới. Họ cùng với nhân dân thành phố tìm ra mọi cách, mọi phương thức để làm ăn kinh doanh có hiệu quả; chủ động liên kết, hợp tác với nước ngoài để nhập nguyên vật liệu, tạo ra các sản phẩm chất lượng, có giá trị cao. Họ buộc phải làm kín, không công khai, vì sợ bị Trung ương “tuýt còi”.
![]() |
Trên mặt trận văn hóa, chúng ta có các tác phẩm nổi tiếng, mô tả được nỗi khổ của người dân vùng quê. Cán bộ thì độc đoán, thiếu dân chủ, không ít người bị tha hóa, suy thoái. Đó là, ký sự “Cái đêm hôm ấy… đêm gì” của Nhà báo Phùng Gia Lộc và bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” của tác giả Phạm Thị Xuân Khải. Những “trái bom”, “ngòi nổ” này đã góp phần phá vỡ bảo thủ, trì trệ. Tôi vẫn nhớ như in những câu thơ:
Bỏ công gieo cấy,
Ai quên gặt mùa màng.
Mỗi vụ gieo trồng
Có phải đâu là lép cả?
…
Đồng chí không bằng đồng tiền
Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp
Có ai thấu chăng
Và ai phải sửa?
Cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn
- Theo ông, nhân tố nào có tính quyết định, tạo nên sự thống nhất phải đổi mới trong nội bộ Đảng?
- Người phất cao ngọn cờ đầu đổi mới là Tổng Bí thư Trường Chinh. Được Trung ương bầu làm Tổng bí thư thay đồng chí Lê Duẩn tạ thế, đồng chí Trường Chinh đã xuống tận cơ sở để tìm hiểu, nghiên cứu và thấu hiểu cơ sở. Từ đó tổng kết thực tiễn và đề ra con đường đổi mới. Toàn Đảng, toàn dân cùng đồng tâm nhất trí với đường lối đổi mới tại Đại hội Đảng VI, năm 1986. Khẩu hiệu cửa miệng là Đổi mới hay là chết. Mọi cán bộ, đảng viên đều cùng nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói đúng sự thật.
- Ông nhìn nhận thế nào về thành quả của công cuộc đổi mới?
Trước hết, chúng ta coi đổi mới tư duy là quyết định. Thời điểm đó, dân gian có truyền miệng câu nói: Buông ra không quản lý đến đâu, thì phát triển đến đó. Câu nói đó không chuẩn lắm nhưng nói lên cách quản lý cứng nhắc là không thể chấp nhận được. Phải để người dân được tự do sản xuất kinh doanh, phát huy tính dân chủ trong xã hội. Mọi người đều nhận thức đổi mới là con đường đúng đắn, tạo ra sức sống mới trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục…
- Chúng ta đã tổng kết lại chặng đường 30 năm đổi mới. Đại hội XII đã xác định,“đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới…”. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Bây giờ phải tiếp tục công cuộc đổi mới lần thứ 2 - Một cuộc đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc, tạo đà cho đất nước phát triển hơn nữa. Vừa qua, Đại hội Đảng lần thứ XII đã thành công tốt đẹp, đánh giá lại 30 năm đổi mới, chỉ rõ những thành công và những hạn chế, thiếu sót; đặc biệt phân tích công tác lãnh đạo của Đảng. Trên cơ sở đó đề ra đường hướng phát triển mới. Có thể nói, năm 2016, với đường hướng của Đại hội Đảng lần thứ XII, chúng ta đã có bước chuyển biến trong tư tưởng, nhận thức và hành động.
Tuy nhiên, tôi mong muốn vẫn cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa.
Hội nghị Trung ương 4 vừa qua, đã nhấn mạnh vấn đề kiểm soát quyền lực. Thực tế những năm qua, nhiều người có chức, có quyền trong bộ máy nhà nước, hay nói rộng ra là trong hệ thống chính trị đã lợi dụng chức quyền để làm sai, làm trái quy định của pháp luật. Đấy là điều không thể chấp nhận được, làm mất niềm tin của nhân dân.
Đảng đã chấp nhận và khuyến khích phản biện xã hội. Đây cũng là một trong những việc làm tốt, chứng tỏ việc Đảng ta coi trọng đổi mới tư duy. Tuy nhiên, để thực hiện tốt cần có chế tài, nghĩa là phải có văn bản pháp luật để điều chỉnh.
Điều 4 Hiến pháp năm 2013 đã quy định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Việc thể chế quy định này là rất cần thiết. Việc Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình là rất đúng đắn và được nhân dân đồng tình. Điều đó càng thể hiện đổi mới tư duy về nhận thức xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Công cuộc đổi mới lần thứ 2 đòi hỏi QH phải vươn lên hơn nữa để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đòi hỏi Chính phủ phải thực sự hành động, xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân.
- Xin cảm ơn ông!