Tập trung quy định mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo Nghị quyết có 10 điều, gồm: tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng (Điều 1); các quy định về HĐND thành phố Hải Phòng (Điều 2); UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng (Điều 3); cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận và Chủ tịch UBND quận (Điều 4); HĐND thành phố thuộc thành phố Hải Phòng (Điều 5); UBND, Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố Hải Phòng (Điều 6); cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường và Chủ tịch UBND phường; quản lý cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn (Điều 7); tổ chức thực hiện (Điều 8); điều khoản thi hành (Điều 9) và quy định chuyển tiếp (Điều 10).
Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng cho biết, mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng được tổ chức theo hướng tinh gọn, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị; đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố theo hướng năng động, sáng tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp và chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công trên địa bàn; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền thành phố.
Đồng thời, huy động nguồn lực cho sự phát triển đô thị văn minh, hiện đại, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Chính quyền địa phương ở thành phố Hải Phòng là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND thành phố và UBND thành phố. Chính quyền địa phương ở các quận tại thành phố Hải Phòng là UBND quận. UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố.
Chính quyền địa phương ở các phường tại thành phố Hải Phòng là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; UBND, Chủ tịch UBND quận; UBND, Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của thành phố Hải Phòng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Việc quy định về mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng để thực hiện ngay mà không cần thí điểm đã bảo đảm đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình bảo đảm đầy đủ theo quy định, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện nay, các thành phố trực thuộc trung ương đang tổ chức chính quyền đô thị theo những mô hình không giống nhau theo quy định của các luật, nghị quyết khác nhau của Quốc hội.
Do đó, thực hiện chỉ đạo tại Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành Luật về tổ chức chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên phạm vi cả nước.
Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, dự thảo Nghị quyết chỉ tập trung quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, những nội dung khác liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù, khác với luật của Quốc hội thì nên được thực hiện thí điểm để bảo đảm đúng theo yêu cầu của Bộ Chính trị và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng như quy định tại Điều 1 của dự thảo Nghị quyết.
Mô hình được đề xuất theo dự thảo Nghị quyết tương tự với mô hình đang được thực hiện tại thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh và phù hợp với quy mô, phạm vi cũng như tính chất đô thị của thành phố Hải Phòng.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hồ sơ trình, hồ sơ thẩm tra dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tám theo quy trình một kỳ họp; đồng thời, tán thành với mô hình chính quyền Hải Phòng do Chính phủ đề xuất như thể hiện trong hồ sơ và dự thảo Nghị quyết.
Về cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố Hải Phòng khi tổ chức chính quyền đô thị, dự thảo Nghị quyết quy định: Thường trực HĐND thành phố gồm Chủ tịch HĐND, 2 Phó Chủ tịch HĐND và các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND thành phố. Chủ tịch HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, Phó Chủ tịch HĐND thành phố là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Ban của HĐND thành phố gồm Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Trưởng ban của HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, Phó Trưởng ban của HĐND thành phố là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Ban của HĐND thành phố có một Ủy viên hoạt động chuyên trách.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc tăng thêm đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hải Phòng sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ giám sát, công tác thẩm tra, tham mưu giúp Thường trực và HĐND thành phố trong việc quyết định đối với các quyết sách của địa phương..., bảo đảm các chính sách được ban hành sát với thực tiễn.
Đồng thời tăng cường giám sát, chất vấn, phản biện, giải quyết kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp được kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị.
Số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tăng thêm được bố trí từ số biên chế giảm do không bố trí các chức danh chuyên trách HĐND quận, phường (103 người), do vậy không phát sinh tổng biên chế trong hệ thống chính trị của Thành phố Hải Phòng.
Các quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố Hải Phòng tương đồng với các quy định tại Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16.11.2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 28.6.2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Tám
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với cơ cấu thành phố Hải Phòng khi tổ chức chính quyền đô thị và số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách của thành phố Hải Phòng khi tổ chức chính quyền đô thị như Chính phủ trình.
Về cơ cấu tổ chức của UBND quận, UBND phường khi tổ chức chính quyền đô thị, dự thảo Nghị quyết quy định trong cơ cấu tổ chức của UBND quận có chức danh Trưởng Công an quận, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận (khoản 1 Điều 4).
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới tán thành với quan điểm của Chính phủ cho rằng, các quy định về cơ cấu tổ chức UBND quận, UBND phường được đề xuất trong dự thảo Nghị quyết là tương đồng với các quy định tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 28.6.2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng tán thành với quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hải Phòng và số lượng Phó Chủ tịch UBND quận, thành phố thuộc thành phố và phường khi tổ chức chính quyền đô thị.
Lý lẽ là bởi, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và Phó Chủ tịch UBND tăng thêm được bố trí từ số biên chế giảm do không bố trí các chức danh chuyên trách HĐND quận, phường (103 người) nên không phát sinh tổng biên chế trong hệ thống chính trị của thành phố Hải Phòng.
Quy định này cũng tương đồng với quy định tại Nghị quyết số 131/2020/QH15 ngày 13.11.2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24.6.2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Chính phủ bổ sung lập luận, thuyết minh, tiếp thu, giải trình về cơ cấu tổ chức của UBND quận, UBND phường khi tổ chức chính quyền đô thị để trình Quốc hội thảo luận.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm tra và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ khẩn trương tiếp thu các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Tám tới.