Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng
Theo đại diện BHXH tỉnh Đồng Nai, những tháng đầu năm tình hình sản xuất kinh doanh nói chung trên địa bàn tỉnh dù đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn đang gặp không ít khó khăn do thiếu đơn hàng sản xuất, thị trường xuất khẩu sụt giảm mạnh, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, công nhân thiếu việc làm, thu nhập giảm... đã ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó cũng ảnh hưởng đến việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, BHXH Đồng Nai đã khắc phục những hạn chế, khó khăn, chủ động bám sát chỉ tiêu, kế hoạch được giao, tiếp tục đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp trong tổ chức, điều hành. Qua đó đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.
Trong 9 tháng năm 2024 có 792 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc; 15.214 người tham gia BHXH tự nguyện; trên 774,5 nghìn người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; gần 2.83 triệu người tham gia BHYT. Cùng với đó, tổng số thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là trên 19,2 nghìn tỷ đồng, đạt 70,8% kế hoạch BHXH Việt Nam giao.
Cũng trong 9 tháng, BHXH Đồng Nai đã chủ động, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, BHXH Việt Nam; xác định sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp là một trong những yếu tố “then chốt”, quyết định đến hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, toàn ngành BHXH tỉnh đã giải quyết và chi trả lương hưu, các chế độ BHXH, BHTN, giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đầy đủ, kịp thời với số tiền chi trên 12,4 nghìn tỷ đồng.
Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Đánh giá cao kết quả ngành BHXH tỉnh đã đạt được, song theo Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, khó khăn vướng mắc như: các số liệu thống kê người dân tham gia BHYT, BHXH giữa cơ quan BHXH với các xã, thị trấn chưa được thống nhất; việc vận động, tuyên truyền người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình còn khó khăn…
Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, theo lãnh đạo BHXH tỉnh Đồng Nai, các đơn vị cần đổi mới phương thức, cách thức hoạt động của hệ thống BHXH, BHYT; chủ động triển khai nhiều biện pháp. Cụ thể, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, BHXH Việt Nam; thống nhất quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là “lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”. Công tác truyền thông phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, chủ động, kịp thời, “đi trước một bước”, nhằm tạo sự đồng thuận, nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Đồng thời, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; tăng cường các giải pháp đôn đốc thu, giảm và thu hồi tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN. Giải quyết, chi trả kịp thời, chi đúng, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; chú trọng thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.
Cùng với đó, đẩy nhanh việc chi trả chế độ qua tài khoản ngân hàng; tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT; khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ. Đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các đơn vị liên quan theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam.
Đại diện BHXH tỉnh cũng nhấn mạnh, BHXH các quận, huyện cần nắm chắc tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là các vấn đề phát sinh gây khó khăn, ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người dân, hoạt động của doanh nghiệp; chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tháo gỡ, xử lý kịp thời các vướng mắc hoặc đề xuất cơ quan thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh. Thực hiện phân công, phân nhiệm bảo đảm nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ quy trình trách nhiệm; rõ kết quả.