Thời sự Quốc hội

Đổi mới mạnh mẽ việc đánh giá cán bộ, công chức

Thanh Hải 07/05/2025 18:40

Chiều 7/5, thảo luận tại Tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Yên Bái, Bình Dương), các ĐBQH ghi nhận, dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đã có những đổi mới mạnh mẽ về đánh giá cán bộ, công chức, đặc biệt kết quả công việc sẽ trở thành thước đo chính.

Khắc phục tư duy "biên chế suốt đời"

Tham gia thảo luận tại tổ, ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc xây dựng dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được đặt trong yêu cầu cấp bách của cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị với tinh thần rất khẩn trương. Việc sửa đổi 2 Luật này là căn cứ cơ bản, quan trọng để vận hành toàn bộ nền công vụ của đất nước và chính quyền địa phương các cấp.

thanh-tra.jpg
ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Tổ 5 chiều 7/5. Ảnh: Hồ Long

Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp này đã được tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở sửa đổi căn bản, toàn diện với triết lý của tư duy đổi mới, tiến bộ và phát triển, cải cách thực sự hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp và hoạt động công vụ.

Bộ trưởng cũng cho rằng, đây là lúc đặt ra yêu cầu rất cao về quản trị quốc gia và địa phương hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, hướng đến mục tiêu cải cách nền công vụ.

Hai dự án luật đã được thiết kế để đáp ứng mục tiêu gắn kết, tạo ra sự xuyên suốt cốt lõi với mục tiêu như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đó là Quốc hội hướng đến xây dựng luật để kiến tạo và phát triển.

Đối với dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc sửa đổi toàn diện Luật này là dịp để thay đổi một cách toàn diện về tư duy và triết lý quản lý công chức của chúng ta. Do đó, nội dung dự thảo Luật đã được xây dựng trên tinh thần đổi mới một cách căn bản, đồng bộ và toàn diện.

Theo Bộ trưởng, "có những vấn đề được nhiều ĐBQH hoặc chuyên gia, nhà khoa học thấy như vậy là đột phá quá, nhưng rõ ràng hiện nay chúng ta phải đột phá như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn".

Bộ trưởng cho biết, trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đã xác lập rất rõ về vị trí việc làm như là một công cụ, "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt trong quá trình thiết kế dự thảo Luật. Vị trí việc làm là trung tâm, là cốt lõi, là yếu tố quyết định cho tất cả các công việc, từ tuyển dụng, sử dụng đến quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, kỷ luật, khen thưởng.

bo truong bo xay dung
ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy tham dự phiên thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: Thanh Hải

Lý giải việc giữ quy định về ngạch công chức, Bộ trưởng cho rằng, ngạch công chức là một tồn tại hiện hữu, là công cụ kỹ thuật rất quan trọng để chúng ta phân định thứ bậc cho cán bộ, công chức. Vì thế, nếu bỏ ngay ngạch công chức sẽ rất khó để phân định.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, chúng ta đang triển khai cải cách tiền lương nhưng để thực hiện được một cách triệt để thì còn cả một chặng đường nữa. Vì thế, nếu bỏ ngay ngạch công chức sẽ khó để thiết kế những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức.

“Đây là công cụ kỹ thuật để phân biệt các thứ bậc công chức, không phải là vấn đề cốt lõi của nền công vụ chúng ta”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng cũng cho biết, trong dự thảo Luật hiện đã bỏ quy định về thi nâng ngạch, chế độ tập sự, hay những vấn đề không cần thiết khác, như kiểm định chất lượng đầu vào.

Lý giải về việc bỏ quy định kiểm định chất lượng đầu vào, Bộ trưởng nêu rõ, tinh thần hiện nay "đã phân cấp, phân quyền, thì bộ, ngành ôm việc này để làm gì? Bộ Nội vụ tổ chức một Hội đồng thi quốc gia để rồi cuối cùng lại giao cho chính quyền các cấp hay cơ quan, đơn vị được giao thẩm quyền này tuyển dụng, thực hiện các quy trình tiếp theo sẽ là tầng nấc phức tạp; điều này dễ dẫn những điều chúng ta không kiểm soát được có thể phát sinh tiêu cực".

"Chúng ta đang phải khắc phục tư duy "biên chế suốt đời", tránh tình trạng cứ vào được biên chế là ngồi chắc chắn, không có chuyện bị làm sao". Chỉ rõ thực tế này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, "bây giờ phải làm sao để thiết kế được có vào, có ra, dứt điểm xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời".

Để thực hiện yêu cầu nêu trên, theo Bộ trưởng, phải sử dụng 2 công cụ gồm: đánh giá trên cơ sở vị trí việc làm, sử dụng tối đa công nghệ thông tin để đánh giá; và cũng cần thiết sử dụng cơ chế hợp đồng với chuyên gia, nhà khoa học cũng như với một số vị trí việc làm. “Hợp đồng cũng là xu thế của nhiều nước, công cụ tiên tiến trên thế giới”, Bộ trưởng cho biết.

Vẫn cần giữ quy định về ngạch công chức

Đánh giá cao những nội dung mới trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương) đề nghị, trong điều kiện chúng ta thực hiện số hóa nền kinh tế, để việc đánh giá cán bộ, công chức khách quan cần thiết cũng phải "số hóa các tiêu chí đánh giá".

tran-con.jpg
ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Thanh Hải

Cụ thể, đại biểu đề xuất, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, hoàn thiện quy định về các tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức để bảo đảm "khi đưa các tiêu chí này vào máy có thể ra kết quả".

"Nếu vẫn để con người đánh giá sẽ có chuyện thiếu khách quan, cảm tính. Nhưng khi máy đánh giá thì đó là khách quan, không thể phản đối được, mà khi kết quả đánh giá đã chuẩn thì việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sẽ dễ dàng hơn”, đại biểu Trần Công Phàn nêu vấn đề.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dù dự thảo Luật vẫn đưa ra 4 mức đánh giá đối với cán bộ, công chức, nhưng tới đây, sau khi Quốc hội ban hành Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định riêng hướng dẫn chi tiết về công tác đánh giá này. Đồng thời, cũng sẽ sử dụng tối đa công nghệ số, phần mềm số để xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc đánh giá cán bộ.

DBQH Phạm Thị Thanh Trà (Yên Bái) 1
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ nội dung được ĐBQH quan tâm. Ảnh: Hồ Long

Với những giải pháp nêu trên, Bộ trưởng khẳng định, chúng ta sẽ đánh giá rất dễ, vì với các công cụ đầu vào, đầu ra trên cơ sở vị trí việc làm thì cuối năm sẽ ra hết cán bộ, công chức làm được những việc gì, có sản phẩm nào.

Công việc sẽ là một thước đo cho đánh giá, không còn dựa vào những tiêu chí định tính chung chung dẫn tới không thể đánh giá cán bộ, công chức.

“Các quy định về đánh giá cán bộ, công chức tại dự thảo Luật được thiết kế rất mới và mạnh mẽ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tán thành với việc dự thảo Luật giữ quy định về ngạch công chức, ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, việc giữ ngạch công chức (chuyên viên, chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp) là có lý lẽ, bởi đây là mối quan hệ qua lại với vị trí việc làm. Không phải vì ở vị trí việc làm cụ thể mà nói rằng là công chức cũng như không phải đã là công chức thì tất cả các vị trí việc làm đều giống nhau.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, phải phân tích và có hướng dẫn quy định cụ thể ở vị trí việc làm nào thì sẽ được giữ ngạch công chức.

“Ngạch công chức vừa mang yếu tố lịch sử, vừa phù hợp với định hướng phát triển tương lai nên trong lần sửa đổi Luật Cán bộ, công chức lần này phải có quy định để điều chỉnh. Ở vị trí việc làm đó thì anh là chuyên viên, nhưng ở vị trí cao hơn, việc phức tạp hơn, đòi hỏi những yếu tố khác cao hơn sẽ ở ngạch cao hơn, như chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp”, đại biểu Phan Thái Bình đề xuất.

Mặt khác, đại biểu Phan Thái Bình cũng lưu ý, xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức thường liên thông với kỷ luật Đảng. Đồng thời, chúng ta cũng có một nguyên tắc "bất di bất dịch" là người đứng đầu không được xếp loại cao hơn tổ chức của mình lãnh đạo.

Toan canh
Các ĐBQH tại Tổ 5 cho ý kiến với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Ảnh: Thanh Hải

Do đó, "trong thực tiễn có những đồng chí không phải không hoàn thành nhiệm vụ, hay do bản thân đồng chí đó mà do tổ chức có cán bộ thuộc quyền quản lý bị xử lý kỷ luật nên cũng bị xếp không hoàn thành nhiệm vụ.

“Trước đây chúng ta cũng có rất nhiều trường hợp các Bí thư, Chủ tịch xã than phiền về việc khi cán bộ sinh con thứ ba bị xử lý thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị cũng bị xử lý theo”. Nêu thực tế này, đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, dù bản thân người đứng đầu không vi phạm, nhưng vì cán bộ cấp dưới vi phạm nên cuối cùng họ vẫn bị xếp không hoàn thành nhiệm vụ.

Do đó, đại biểu đề nghị, Bộ Nội vụ cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề này và có hướng dẫn để xử lý những lỗi mà người đứng đầu đơn vị, cơ quan không thể quản lý được.

duong van phuoc
ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Thanh Hải

ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét điều chuyển quyền của cán bộ, công chức được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở quy định tại khoản 2 Điều 12 sang khoản 3 Điều 10 cho phù hợp, bảo đảm tính logic về các chính sách liên quan đến nhà ở cho cán bộ, công chức khi thi hành công vụ.

Theo đại biểu, khoản 3 Điều 10 cần viết lại theo hướng: “... được bố trí, thuê nhà ở công vụ, hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền”; đồng thời quy định rõ cấp có thẩm quyền ở quy định này là cấp nào và nên giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đổi mới mạnh mẽ việc đánh giá cán bộ, công chức
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO