Đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng luật

- Thứ Năm, 08/04/2021, 05:21 - Chia sẻ
Hôm nay, 8.4, Quốc hội sẽ bế mạc Kỳ họp thứ Mười một. Trong ngày làm việc cuối cùng, Quốc hội cũng sẽ hoàn tất việc kiện toàn nhân sự các cơ quan nhà nước để bảo đảm sự vận hành liên tục, xuyên suốt của bộ máy nhà nước. Chia sẻ những trăn trở sau gần một nhiệm kỳ, nhiều đại biểu Quốc hội cũng gửi gắm kỳ vọng về những đổi mới của Quốc hội, Chính phủ thời gian tới, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật.

ĐBQH Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng):
Hài hòa giữa luật chung và luật chuyên ngành

Tôi mong muốn Quốc hội, Chính phủ thời gian tới cần tập trung khắc phục một số tồn tại, bất cập trong công tác xây dựng pháp luật. Ví dụ về tiến độ, có những dự thảo luật trình sang Quốc hội quá gấp, gấp đến mức 2 hôm nữa Quốc hội thảo luận mới có tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội nên sự góp ý cũng vội, nghiên cứu có khi chưa được sâu, cặn kẽ. Về mặt quy trình, thủ tục như vậy là chưa thực sự tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong nhiệm vụ quản lý nhà nước, một số cơ quan, bộ, ngành chưa coi trọng đúng mức khâu xây dựng chính sách, coi như đấy là việc cần làm nhưng chưa bức xúc. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn nhấn mạnh xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế là khâu đột phá chiến lược và phải làm trước nhưng một số ngành chưa coi trọng nhiệm vụ này và thường giao việc xây dựng, soạn thảo chính sách cho cấp vụ, rồi cuối cùng cũng vun đắp thành cái khung gửi lên Chính phủ.

Từ thực tế cho thấy, có những bộ làm kỹ, phối hợp ngay từ đầu nhưng nhiều bộ khi trình Chính phủ thì Chính phủ chỉ cho chủ trương, xác định các quan điểm lớn còn nội dung chi tiết giao cho bộ chủ quản soạn thảo. Nếu cơ quan soạn thảo làm tốt thì phía cơ quan thẩm tra của Quốc hội nói là "nhàn hơn" cũng đúng, nhưng quan trọng hơn là có điều kiện làm kỹ hơn thì luật đi vào cuộc sống được lâu và phù hợp hơn. Trường hợp ngược lại, luật chậm đi vào cuộc sống hoặc nhanh phải sửa đổi.

Có thể do xã hội biến đổi nhanh, đất nước đang trong quá trình phát triển cho nên các chính sách cũng phải thay đổi nhanh hơn. Nhưng tôi cho rằng, còn lý do nữa, đó là quan điểm về luật chi tiết hay luật khái quát phải rất hài hòa. Nếu cứ đòi hỏi luật ban hành phải áp dụng được ngay thì sẽ có những đạo luật rất chi tiết nhưng chi tiết quá khi có sự thay đổi của thực tiễn cuộc sống là lại phải sửa luật. Tất nhiên, nếu khái quát quá đến mức luật như chính sách, nghị quyết thì cũng không phải. Tôi lấy ví dụ Luật Khoa học, công nghệ của Nhật Bản ra đời năm 1995 có 19 điều 4 trang giấy nhưng đến bây giờ, sau 26 năm vẫn không thay đổi gì cả; khoa học, công nghệ Nhật Bản vẫn cứ phát triển. Như vậy để thấy rằng, trong tư duy lập pháp, trong phương pháp xây dựng luật của Chính phủ, của Quốc hội tới đây phải có sự hài hòa giữa các văn bản pháp luật của ngành với những văn bản pháp luật chung để “tuổi thọ” của luật dài hơn. 

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai):
Ứng dụng công nghệ trong xây dựng pháp luật

Cụm từ chuyển đổi số được nhắc đến như một từ khóa xuyên suốt năm 2020. Bên cạnh chính sách của Nhà nước, sự năng động của đội ngũ doanh nhân, dịch bệnh Covid-19 đã đẩy quá trình chuyển đổi số ở nước ta đi nhanh hơn. Trong bối cảnh này, Quốc hội, Chính phủ có lẽ phải có những chuyển động phù hợp hơn khi thực hiện quy trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Quốc hội đã tạo ra những bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiệm kỳ Khóa XIV. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, có thể giải đáp rất nhiều vấn đề trong quá trình xây dựng pháp luật. Khoa học, công nghệ được sử dụng như một công cụ để “chẩn bệnh”, xác định những vấn đề cần được tháo gỡ, khắc phục khi xây dựng một dự luật mới. Tất nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng pháp luật không chỉ ở Quốc hội. Với vai trò là chủ thể chính chuẩn bị, trình các dự án luật, Chính phủ cũng phải tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu, quy trình thuộc trách nhiệm của mình.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Vậy điểm tựa nào để đánh thức niềm tin trong Nhân dân về việc hiện thực hóa khát vọng này? Điểm tựa này có lẽ không ở đâu xa. Mưu cầu hạnh phúc là mong muốn cơ bản của con người. Song, rộng hơn, chúng ta cần thấy, vấn đề lớn nhất của mọi thời đại là lợi ích. Toàn bộ đời sống xã hội đều được phản ánh dưới góc độ lợi ích, chỉ khác là lợi ích giữa các nhóm người trong xã hội có hài hòa, có bị xung đột không. Do vậy, việc có nhóm lợi ích là điều tất yếu. Ví dụ, khi xây dựng một con đường thì người có nhà, đất ra sát mặt đường được hưởng những lợi ích nào, người mất đất chịu thiệt hại thế nào? Xác định những lợi ích khác nhau khi xây dựng một công trình hạ tầng cơ sở hoàn toàn có thể dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ, tiến hành điều tra xã hội học. Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần ứng dụng khoa học, công nghệ để thực hiện những việc này, từ đó bảo đảm sự hài hòa lợi ích trong các chính sách.

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn):
Đổi mới căn cơ giáo dục và nội vụ

Tôi cho rằng, những trở ngại hiện nay đối với sự phát triển của nước ta có nguyên nhân sâu xa từ con người. Vì thế, với Chính phủ mới, tôi đề nghị, cần tiếp cận theo quan điểm mới hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục. Giáo dục là gốc. Giáo dục phải tạo nên được những hệ giá trị xã hội một cách cơ bản và đánh giá đúng các giá trị xã hội. Còn với những chính sách giáo dục như hiện nay, tôi có cảm giác rằng chúng ta đã không đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu. Vô hình trung trong chính sách của chúng ta đã hơi đánh đồng các giá trị trong giáo dục. Tôi lấy ví dụ, việc “đánh đồng” bằng cấp cũng chưa hẳn là một cách tốt. Bằng cấp có các bậc thang giá trị khác nhau. Các nước họ rất rõ ràng trong chuyện này. Chất lượng giáo dục ở mức độ nào thì đánh giá mức độ đó. Chúng ta chưa làm được điều đó. Trong một số hoạt động chỉ đạo hay một số chính sách cũng đừng quá thị trường hóa giáo dục. Giáo dục nằm trong hệ thống cung cấp dịch vụ công của Nhà nước và luôn luôn phải bảo đảm sự kiểm soát và quản lý của Nhà nước để tạo nên những sản phẩm giáo dục, tạo nên chất lượng nguồn nhân lực tốt. Vì vậy, phải có những tiếp cận, nghiên cứu để xây dựng một hệ thống giáo dục, đào tạo những con người có nền tảng tốt. Đặc biệt phải có sự phân loại, đánh giá đúng, xếp hạng đúng các giá trị giáo dục.

Từ giáo dục liên quan đến sử dụng con người lại là trách nhiệm của ngành nội vụ, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng con người đã thực sự đúng hay chưa, đánh giá đúng hay chưa? Việc đấy cũng phải nghiên cứu rất kỹ. Chỉ khi nào chúng ta có hệ thống chính sách, tiêu chuẩn đánh giá một cách chuẩn mực thì lúc đấy mới chọn được những con người tốt, đưa vào bộ máy.

Có sự kết nối chặt chẽ giữa giáo dục và công tác nội vụ. Đây là hai ngành hết sức quan trọng và cơ bản mà thời gian tới, với những nhân sự mới được Quốc hội kiện toàn lần này và dưới sự điều hành của tân Thủ tướng, tôi mong rằng sẽ có những thay đổi mạnh mẽ, căn cơ hơn. Tôi cho rằng đó là gốc của vấn đề. Nếu như chúng ta giải quyết tốt 2 khâu này thì các khâu khác sẽ có được nền tảng tốt.

Đối với Quốc hội, nhiệm kỳ này, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành công trong công tác xây dựng luật. Tuy nhiên, còn nhiều luật, theo quan điểm cá nhân tôi là cần thiết cho đời sống, cho vấn đề phát triển, cho định hướng phát triển, nhưng chưa được xây dựng. Ví dụ, Luật Quản lý đô thị rất cần trong xu thế phát triển. Chính phủ 2 năm trước trình ra, khi không đạt yêu cầu thì cũng rút luôn, trong khi đây là luật rất quan trọng, phải đi trước để định hướng sự phát triển của các đô thị. Trong thực hiện đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế thì xây dựng luật là ưu tiên đầu tiên. Tôi mong rằng, nhiệm kỳ tới, giữa cơ quan Chính phủ và cơ quan Quốc hội phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong xây dựng luật.

N. Bình - T. Hải ghi