Hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Đổi mới mạnh mẽ trong công tác cán bộ

- Thứ Hai, 18/01/2021, 07:06 - Chia sẻ
Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương NGUYỄN ĐỨC HÀ, trong quá trình tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, hai nội dung quan trọng là văn kiện và nhân sự được tiến hành công phu, bài bản, chất lượng, với nhiều điểm mới quan trọng. Đặc biệt là công tác cán bộ có những đổi mới mạnh mẽ.

Kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ

- Ông đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị dự thảo các văn kiện và công tác nhân sự trong quá trình tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng?

- Trong các kỳ đại hội Đảng sẽ có nhiều nội dung, nhưng hai vấn đề quan trọng nhất là văn kiện và công tác nhân sự. Điểm mới của hầu hết dự thảo các văn kiện trình Đại hội đảng bộ các cấp lần này là đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đối với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng và thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn. Hầu hết các cấp ủy đã coi trọng tổng kết thực tiễn; nghiên cứu dự thảo các văn kiện Đại hội lần thứ XIII và của cấp trên để xây dựng dự thảo các văn kiện có tầm nhìn chiến lược hơn; nhiều nơi thể hiện rõ ý chí, khát vọng phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Công tác nhân sự lần này cũng có nhiều điểm mới quan trọng, trong đó có quy định tiêu chuẩn nhân sự tham gia cấp ủy, quy trình công tác nhân sự và đặc biệt là thực hiện giảm 5% số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, huyện. Qua thực hiện cho thấy, cấp tỉnh giảm 6,2%, cấp huyện giảm 11,6%, cấp cơ sở không quy định giảm nhưng thực tế đã giảm 12,5% và qua đó góp phần giảm chi ngân sách hàng trăm tỷ đồng/năm. Đặc biệt, nhân sự lần này được giao ban thường vụ cấp ủy các cấp kết luận và chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn chính trị của nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy. Công tác thẩm định nhân sự có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt (ở Trung ương là 8 cơ quan).

Đại hội đảng bộ các cấp lần này cũng thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Theo đó, cấp tỉnh, chúng ta đã bầu chọn được 27 bí thư, chiếm 43%, tăng 68,8%; cấp huyện có 464 bí thư, chiếm 65%, tăng 38%, và đều đạt tỷ lệ tín nhiệm rất cao tại Đại hội.

- Trong nhiệm kỳ qua, nhiều nghị quyết, quyết định về công tác cán bộ đã được ban hành, triển khai thực hiện. Điều này cho thấy quyết tâm cao của Trung ương với công tác được xác định là “then chốt của then chốt” này, thưa ông?

- Đúng vậy. Có lẽ chưa nhiệm kỳ nào mà từ Trung ương đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp quan tâm đến công tác cán bộ như vậy. Công tác cán bộ có nhiều khâu, nhiều yếu tố. Trong nhiệm kỳ này, trước hết có thể thấy rõ là, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung cao độ cho việc hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ. Lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25.10.2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Bộ Chính trị cũng ban hành Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2.1.2020 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trước đây, chúng ta nói là đánh giá cán bộ nhưng chủ yếu là định tính, ít định lượng, thì lần này, Quy định của Bộ Chính trị không chỉ định tính mà cả định lượng, cụ thể cả về phẩm chất chính trị, năng lực công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức, tuổi tác, sức khỏe… Tất cả những quy định cụ thể đó nhằm tạo cơ sở để đánh giá đúng cán bộ, chọn đúng người, bố trí người đúng việc.

Cho nên, có thể nói, nhiệm kỳ này đã có đổi mới mạnh mẽ về công tác đánh giá cán bộ. Công tác này được thực hiện thường xuyên, liên tục, với yêu cầu phải theo tiêu chí, bằng sản phẩm, đánh giá đa chiều, có so sánh, công khai, trong đó đánh giá về người đứng đầu gắn với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Với cách làm, quy định, quy chế chặt chẽ như vậy, có cơ sở để tin tưởng rằng, công tác cán bộ sẽ tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.

- Cụ thể với công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội lần thứ XIII, thì điểm mới là gì, thưa ông?

- Quy trình chuẩn bị công tác nhân sự Đại hội lần thứ XIII của Đảng rất chặt chẽ, công phu và có nhiều điểm mới so với nhiệm kỳ trước. Số lượng cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa mới ít hơn. Qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh, Trung ương đã bỏ phiếu kín giới thiệu và đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược 222 người, giảm gần 300 so với số quy hoạch ở Đại hội lần thứ XII.

Quy trình nhân sự lần này cũng được thực hiện theo 5 bước thay vì 3 bước như các nhiệm kỳ Đại hội trước. Quy trình 3 bước là hai lần trình Ban Thường vụ, một lần trình Ban Chấp hành. Trong quy trình 5 bước sẽ thực hiện hai lần trình Ban Thường vụ, hai lần trình Ban Chấp hành và một lần lấy ý kiến cán bộ chủ chốt. Có thể thấy, các nhân sự quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương được rà soát, lấy phiếu kỹ lưỡng và dân chủ hơn.

Góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân

- Liên quan đến công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Ông đánh giá như thế nào về công tác này?

- Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng ta quan tâm thực hiện. Trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII, nói đúng hơn là từ sau Hội nghị Trung ương 5, Khóa XI, khi Ban Chấp hành Trung ương quyết định kiện toàn và thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban chỉ đạo, thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được đẩy lên một giai đoạn mới cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Điều này đã góp phần tích cực củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

-  Khẳng định những kết quả lớn đạt được, song cũng có ý kiến lo ngại rằng, nếu làm nghiêm khắc quá, cán bộ sẽ thận trọng quá mức, không dám đổi mới để phát triển?

- Đây là một trong những vấn đề đang đặt ra. Làm thế nào để vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước, đồng thời phải khơi dậy, tạo môi trường, điều kiện để cán bộ năng động, sáng tạo, dám đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích chung. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng mạnh đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Quá trình đấu tranh quyết liệt với tham nhũng vừa qua đã trở thành lời cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe những ai có ý định tham nhũng. Như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước là nếu ai lỡ “nhúng chàm” thì nên tự “gột rửa”. Qua đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chúng ta đã kịp thời phát hiện những bất cập, kẽ hở từ cơ chế, chính sách, thể chế để có giải pháp bịt lại. Tổng kết 8 năm phòng, chống tham nhũng kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho thấy, con số thu hồi, nộp lại ngân sách do tham nhũng mà có không hề nhỏ, và ngày càng tăng. Cho nên, những ai nói đấu tranh phòng, chống tham nhũng mạnh là cản trở kinh tế phát triển là không đúng, thậm chí nếu ai nói vậy có nghĩa đang ủng hộ tham nhũng.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Hải thực hiện