Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội Khóa XV

Đổi mới mạnh mẽ tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị

Thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định để đổi mới mạnh mẽ tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị, trên cơ sở mô hình của một số nơi đã và đang thí điểm hiệu quả thời gian qua.

pct-nguyenkhacdinh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Sáng 15.2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Cần trao quyền cho Chủ tịch UBND các cấp mạnh mẽ hơn nữa

Các ĐBQH tán thành với việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương để thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Nhiều ĐBQH cũng cho rằng, các nội dung trong dự thảo Luật đã cơ bản tạo được hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế, giúp khơi thông nguồn lực, tạo ra các động lực mới góp phần thúc đẩy phát triển đất nước.

Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của UBND các cấp, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cơ bản kế thừa các quy định về tổ chức chính quyền địa phương trước đây, UBND là cơ quan chấp hành của HĐND, là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, được tổ chức gồm 3 cấp là cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

dbqh-doan-thi-le-an-cao-bang.jpg
ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) nhận thấy, dự thảo Luật thể hiện rõ việc tổ chức UBND gồm 3 cấp là cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, tại Điều 6 chỉ quy định về cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, chưa có quy định về chức danh công chức tham mưu cho UBND cấp xã để thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND, Chủ tịch UBND quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương. Trong khi đó, UBND cấp xã là cấp trực tiếp tại cơ sở, gần dân nhất, vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước tại địa phương, vừa thực hiện nhiệm vụ triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật vào thực tiễn.

Để bảo đảm được tính thống nhất, khoa học về tổ chức và hoạt động của UBND các cấp, phù hợp với định hướng về xây dựng nền công vụ thống nhất, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 6 nội dung “công chức chuyên môn thuộc UBND cấp xã thực hiện tham mưu, giúp UBND, Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cơ quan nhà nước cấp trên”. Đồng thời quy định giao Chính phủ quy định số lượng công chức UBND cấp xã tại khoản 4, Điều 6.

dbqh-nguyen-duy-minh-da-nang.jpg
ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch UBND các cấp, ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho rằng, tổ chức hoạt động của UBND các cấp còn chưa tinh gọn, nặng về sự điều hành của tập thể mà chưa phát huy được thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch UBND, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả, tính kịp thời trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương.

Từ đó, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần trao quyền cho Chủ tịch UBND các cấp mạnh mẽ hơn nữa, đề cao vai trò cá nhân của người đứng đầu UBND để quyết định kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền, quyền hạn, trừ các vấn đề thuộc thẩm quyền tập thể, phải thông qua đa số và cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp để bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ.

Về mô hình chính quyền địa phương, dự thảo Luật quy định tại tất cả các đơn vị hành chính các cấp tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. Theo Tờ trình của Chính phủ, quy định này để bảo đảm việc tiếp tục thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại một số thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Thủ đô và các nghị quyết của Quốc hội.

Hoàn thiện quy định về bầu các chức danh HĐND và UBND

Về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị, cần nghiên cứu theo hướng đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị để thúc đẩy sự phát triển. Bởi, trong bối cảnh đang tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhưng nghiên cứu nội dung quy định khoản 1 Điều 2, đại biểu thấy chưa thật sự yên tâm.

dbqh-tran-quoc-tuan-tra-vinh.jpg
ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Thực tiễn cho thấy, sau khi sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, các địa phương như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và mới đây là Hải Phòng đã được Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Qua đánh giá, các nơi này đã triển khai thực hiện và mang lại kết quả rất tốt.

“Trong điều kiện đang thực hiện cuộc Cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, thì tổ chức chính quyền địa phương cũng cần phải được xem xét thận trọng để có thể thiết kế lại cho phù hợp với đặc điểm của khu vực đô thị và đặc điểm của khu vực nông thôn. Điều này hoàn toàn không trái với Hiến pháp”.

Nhấn mạnh quan điểm trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị nghiên cứu, có quy định đổi mới mạnh mẽ tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị giống như các nơi đã và đang thí điểm hiệu quả. Đây sẽ là cơ sở thực hiện tốt cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước.

dbqh-pham-van-hoa-dong-thap.jpg
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tán thành với việc duy trì cấp chính quyền như luật hiện hành, bởi “không thể không có HĐND cấp xã”. Song, từ hiệu quả ở những địa bàn đã được Quốc hội cho phép thực hiện chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND quận, phường), đại biểu đề nghị, nghiên cứu áp dụng mô hình này cho đô thị trên toàn quốc, bao gồm các thành phố trực thuộc Trung ương và các thành phố thuộc tỉnh.

Về thôi làm nhiệm vụ đại biểu, tạm đình chỉ, bãi nhiệm và mất quyền đại biểu HĐND, tại điểm b, khoản 1, Điều 35 của dự thảo Luật quy định HĐND xem xét, quyết định thôi làm nhiệm vụ đối với đại biểu trong trường hợp theo đề nghị của đại biểu HĐND vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác. ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) đề nghị, bổ sung cụm từ “chính đáng” vào nội dung trên, để tránh sự tùy nghi, cá nhân ảnh hưởng đến hoạt động chung của tổ chức.

dbqh-pham-thi-kieu-dak-nong.jpg
ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về bầu các chức danh của HĐND và UBND, tại khoản 3, Điều 29 của dự thảo Luật đã quy định về việc bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND. Tuy nhiên, dự thảo Luật không quy định rõ việc bầu Chủ tịch UBND tại phiên thứ nhất có phải là đại biểu HĐND hay không. Trong khi, luật hiện hành quy định tại phiên thứ nhất bầu chủ tịch UBND phải là đại biểu HĐND, việc bầu Chủ tịch UBND lần sau không nhất thiết là đại biểu HĐND. Do đó, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề nghị, tại dự thảo Luật cần quy định rõ việc bầu chủ tịch UBND tại phiên thứ nhất có phải là đại biểu HĐND hay không, để thực hiện thống nhất trong cả nước.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu về nhiều nội dung, với yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Nhưng, phân cấp, phân quyền phải gắn với phân cấp về thủ tục hành chính, phù hợp với nội dung được phân cấp, phân quyền và khác với thủ tục hành chính trước khi được phân cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các ĐBQH, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất, đồng bộ với các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại cuối Kỳ họp.

Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Lễ công bố và trao Nghị quyết về công tác cán bộ - Ảnh Hồ Long
Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Khẩn trương triển khai công tác theo tổ chức mới, không để gián đoạn, ngừng trệ, bỏ sót công việc

Phát biểu tại Lễ công bố và trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác cán bộ chiều nay, 21.2, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, chuyên nghiệp, khoa học. Mọi hoạt động của từng cơ quan phải luôn gắn liền với lợi ích của Nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước theo các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là những chủ trương mới. Chú trọng kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngay sau khi Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 178/2024/QH15 của Quốc hội về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trao Nghị quyết phê chuẩn các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp và các Ủy viên là Đại biểu Quốc hội chuyên trách Ủy ban Pháp luật và Tư pháp - Ảnh Hồ Long
Thời sự Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ công bố và trao Nghị quyết về công tác cán bộ

* Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tham dự

Chiều 21.2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ công bố và trao Nghị quyết về công tác cán bộ đối với Phó Chủ nhiệm các Ủy ban Quốc hội, các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng giám sát về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao tại Đại học Đà Nẵng
Thời sự Quốc hội

Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng giám sát về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao tại Đại học Đà Nẵng

Ngày 20.2, Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng đã tổ chức giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021-2024 trên địa bàn TP. Đà Nẵng” tại Đại học Đà Nẵng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng: Kỳ họp bất thường lần thứ Chín có ý nghĩa lịch sử, thành công vượt mong đợi
Thời sự Quốc hội

Kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thành công vượt mong đợi

“Kỳ họp bất thường lần thứ Chín thành công vượt mong đợi, có ý nghĩa lịch sử. Các quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp này cho thấy không chỉ có tác động mạnh mẽ, tích cực tức thời mà sẽ còn hiện diện lâu dài trong tương lai phát triển thịnh vượng, bền vững của đất nước ta”, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI LÊ QUANG TÙNG nhấn mạnh.