Đổi mới giáo dục nên bắt đầu từ chương trình chuẩn

- Thứ Năm, 02/02/2012, 14:46 - Chia sẻ
Vẫn phong cách trò chuyện hóm hỉnh và cụ thể, GS.TS, NGND NGUYỄN LÂN DŨNG - ĐBQH các Khóa X, XI, XII đã chia sẻ với PV ĐBND những trăn trở về thực trạng giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông và giáo dục đại học ở nước ta hiện nay. Đề cập đến đổi mới chương trình giáo dục, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng nên bắt đầu từ việc xây dựng một chương trình chuẩn trên cơ sở học hỏi các nền giáo dục phát triển. GS cũng khẳng định, cần gì phải có thật nhiều tiền mới đổi mới được chương trình và sách giáo khoa...

- Thưa GS, có một thực tế hiện nay là phần lớn các tập đoàn, doanh nghiệp khi tuyển lao động là sinh viên mới tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng đều phải dành thời gian đào tạo lại cả về nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, ứng xử. GS nhìn nhận thế nào về thực trạng này?

- GS Nguyễn Lân Dũng: Đây là thực trạng đã tồn tại nhiều năm, chưa được giải quyết thấu đáo. Tôi có đọc thông tin là đến năm 2020 dự tính cả nước có tới 600 trường đại học và cao đẳng. Tôi không hiểu ngành Giáo dục mở quá nhiều trường như vậy để làm gì? Chúng ta nên đào tạo theo hướng biết gì thì dạy nấy, cần gì thì dạy nấy, thầy đã không biết thấu đáo thì đừng mở trường, mở lớp. Lấy một ví dụ, tôi thấy rất nhiều trường đại học đào tạo ngành môi trường, nhưng khi các em tốt nghiệp ngành này ra trường thì lại không biết công nghệ xử lý rác, xử lý nước thải, xử lý ô nhiễm không khí,… Thường các em chỉ xin về các Sở, Phòng Tài nguyên môi trường, nhưng khi các sở, phòng này đã đủ người rồi thì các em biết làm gì đây? Chúng ta đang gặp phải vấn nạn đào tạo tràn lan với chất lượng thấp, trong khi nhu cầu của đời sống, của sản xuất lại đòi hỏi chuyên gia và lao động có chất lượng cao.

Để đáp ứng nhu cầu học tập rất chính đáng của thanh niên hiện nay, theo tôi, nếu không đủ sức dạy cho có nghề hẳn hoi thì chúng ta nên mở rộng việc đào tạo ngoại ngữ, ngoại ngữ gì cũng tốt. Nếu biết ngoại ngữ, bất kỳ ai cũng sẽ có thể thành đạt và sở hữu nguồn tri thức vô tận mà nhân loại đã tích lũy. Có ngoại ngữ thì sinh viên sau khi ra trường có thể tự học, tự tìm hiểu, có thể tiếp nhận các công nghệ mới để tự tổ chức sản xuất, hoặc dễ dàng được đi du học ở bậc sau đại học. Bên cạnh đó, chúng ta nên chú trọng mở những trường đào tạo nghề có chất lượng cao. Các cụ thường dạy nhất nghệ tinh, nhất thân vinh cơ mà. Tôi thấy một số công ty nhỏ bé thôi, thế mà khi tuyển nhân viên cũng đòi hỏi không chỉ bằng đại học, rồi còn đòi cả bằng tiếng Anh, bằng Tin học nhưng khi vào làm lại không sử dụng gì đến. Nhiều em đỗ bác sỹ rồi nhưng không chịu về các tỉnh mà ở lại Hà Nội để làm trình dược viên, một việc quá phí phạm kiến thức y học, trong khi không ít địa phương còn rất thiếu bác sỹ. Đây là công việc của dược sỹ, nhưng các dược sỹ có thể mở hiệu thuốc nên đâu có nhận làm trình dược viên (!). Hiện nay đa số sinh viên ra trường phải làm việc không đúng với chuyên ngành đã học. Như vậy rất phí công đào tạo, phí công học hành, chưa kể những tiêu cực của xã hội về xung quanh quá trình “chạy chọt” xin việc, hết sức tốn kém và thiếu đạo đức.

- Giáo dục đại học bên cạnh đào tạo nghề trình độ cao, còn là nơi khởi phát của những sáng tạo, đổi mới, làm đầy nền tri thức chung. Tuy nhiên, ở nước ta, đại học vẫn chỉ loay hoay tại cấu phần đào tạo nghề, còn cấu phần sáng tạo, nghiên cứu khoa học, phản biện gần như bị bỏ ngỏ. GS cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

- GS Nguyễn Lân Dũng: Đúng như vậy. Đại học không phải là trường phổ thông cấp 4, đại học cần đào tạo năng lực nghiên cứu và sáng tạo. Nhưng tôi rất lo bởi vì các ngành khoa học cơ bản đang “lâm nguy”, rất thiếu sinh viên chỉ vì sinh viên ra trường  khó tìm được việc làm. Một đất nước mà không có khoa học cơ bản, coi như một lâu đài không có nền móng vững chắc, đất nước đó không thể phát triển lên được. Các ngành khoa học cơ bản trong các trường đại học của ta không cần có quá nhiều sinh viên, nhưng đó phải là những sinh viên giỏi. Muốn vậy phải có chính sách ưu tiên thỏa đáng, chẳng hạn miễn học phí, cấp học bổng, học tập trong điều kiện tốt và ra trường phải có việc làm thích hợp. Chúng ta muốn vươn lên để tiến kịp các nước phát triển, mà trước mắt là đến năm 2020 muốn trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, không thể không có một nền khoa học cơ bản phát triển, cùng với đội ngũ các nhà nghiên cứu chuyên sâu. Ngay một chuyện đơn giản như hiện tượng cháy nổ xe máy nhưng đến nay vẫn chỉ phỏng đoán, chưa tìm ra được nguyên nhân. Điều này là hệ quả của việc chúng ta chưa có một đội ngũ chuyên gia giỏi, hậu quả của việc thiếu nền tảng khoa học cơ bản. Quốc hội mỗi năm dành cho giới khoa học tới 600 triệu USD chứ đâu có quá ít nhưng tại sao các ngành khoa học nước nhà không bứt phá lên được? Đó là vì chúng ta đầu tư quá dàn trải, thiếu khoa học. Viện vi sinh vật và Công nghệ sinh học (ĐH Quốc gia Hà Nội) của chúng tôi được phân bổ có 3 triệu USD thôi, nhưng chúng tôi mua sắm được các thiết bị khá hiện đại, tiếp cận được với các nghiên cứu sinh học phân tử. Nhờ đó, mỗi năm chúng tôi đã tìm thấy được không ít những loài vi sinh vật mới, công bố được trên các tạp chí quốc tế. Hiện nay Viện đã có thể trao đổi bình đẳng với nhiều Viện nghiên cứu nước ngoài và hàng năm thường xuyên tiếp nhận các chuyên gia Nhật Bản đến cùng làm việc trong vài tháng. Nếu tận dụng hợp lý 600 triệu USD mỗi năm chắc chắn sẽ làm được rất nhiều việc và khoa học mới có thể hướng tới mục tiêu trở thành sức sản xuất trực tiếp .

- Không riêng gì giáo dục đại học, cao đẳng, mà cả hệ thống giáo dục của chúng ta đang “có vấn đề”, thưa GS?

- GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi cho rằng, chất lượng giáo dục của ta hiện đang giảm sút, nhưng không nên quá bi quan. Chất lượng có giảm sút là vì sao? Là vì chưa làm được điều Bác Hồ và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mong muốn. Bác Hồ mong muốn đồng bào ta “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng mong muốn: “Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”. Đến nay, chúng ta vẫn chưa làm tốt được những điều này. Vậy nguyên nhân do đâu? Tôi cho một nguyên nhân rất quan trọng là do chương trình giáo dục phổ thông chưa ổn định, luôn luôn thay đổi, một số môn học lại có chương trình không giống nước nào. Nền giáo dục hiện đại của thế giới đã được xây dựng trong một thời gian dài, luôn đổi mới, luôn phát triển, do vậy chúng ta cần tiếp cận theo xu thế chung nhưng làm sao cho vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Tôi chỉ nói riêng với chương trình của ngành Sinh học mà tôi biết rõ. Nó kỳ lạ đến mức mọi môn học ở Khoa Sinh ở trường Đại học Sư phạm đều có trong chương trình phổ thông, nào là Thực vật bậc thấp, Thực vật bậc cao, Động vật không xương, Động vật có xương, Giải phẫu sinh lý người và động vật, Di truyền học, Sinh thái học, Tiến hóa học, Vi sinh vật học… nhưng với số giờ giảng dạy chỉ có 1 - 2 tiết mỗi tuần thì học sinh nhớ được cái gì trong số kiến thức rất nặng với thời lượng ngắn như vậy?

- Để khắc phục tình trạng này, GS có “kế sách” gì không?

- GS Nguyễn Lân Dũng: Như tôi đã nói nhiều lần, để có thể khắc phục sự giảm sút chất lượng giáo dục hiện nay, chìa khóa vẫn là ở Chương trình giáo dục phổ thông và chất lượng đào tạo ở bậc đại học. Nên giao việc soạn chương trình cho các Hội khoa học chuyên ngành, kết hợp với các thầy cô giáo lâu năm và có uy tín, Nhà nước chỉ cần cung cấp thông tin về chương trình giáo dục của một số nước có nền giáo dục phát triển. Chương trình chứ không phải sách giáo khoa, nó chỉ là vài trang với mỗi môn học. Mình phải biết thế giới họ đang dạy cái gì, dạy thế nào để tham khảo và sửa đổi cho thích hợp với hoàn cảnh nước ta. Có như thế mới có thể hy vọng hội nhập quốc tế được. Khi Quốc hội thảo luận, thông qua Luật Giáo dục, nhiều ĐBQH cho rằng không nên có nhiều bộ sách giáo khoa vì đơn giản nghĩ rằng một bộ còn chẳng ra sao nữa là nhiều bộ. Cái chính là một chương trình chuẩn, còn như nhiều nước khác, sách giáo khoa là chuyện của từng nhóm tác giả, từng nhà xuất bản. Cùng một chương trình thống nhất nên học sinh và thầy cô giáo có quyền chọn lựa bộ sách nào hay nhất thì dùng. Có cạnh tranh như vậy mới có thể có sách giáo khoa tốt. Hiện nay, nước ta tuy chỉ có một bộ sách giáo khoa nhưng lại có quá nhiều các sách tham khảo chưa được thẩm định chất lượng. 

- Bên cạnh chìa khóa là Chương trình giáo dục, để khắc phục tình trạng giáo dục như GS vừa chỉ ra, chúng ta cũng cần chú ý đến những vấn đề nào nữa, thưa GS?

- GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ, cần khẩn trương chấn chỉnh khâu quản lý giáo dục, quản lý khoa học. Chúng ta coi giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, nhưng lại chưa làm cho nó trở thành quốc sách. Tôi rất mừng là các Nghị quyết của Đảng, gần đây là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đều khẳng định việc đẩy mạnh sự nghiệp phát triển giáo dục, phát triển khoa học.

Ngoài ra, theo tôi cũng cần phải có chính sách thỏa đáng với trí thức. Nếu không có chính sách thì không thể phát huy được nguồn lực của tầng lớp tri thức trong nước và tri thức người Việt đã và đang được đào tạo tại nước ngoài. Nếu như các tiến sỹ được đào tạo từ nước ngoài, sau khi về nước chỉ được trả lương 3 triệu bạc thì làm sao có thể làm việc hết mình được? Tăng lương đồng loạt là rất khó nhưng có thể trả lương hay phụ cấp theo công việc. Muốn vậy phải biết năng lực của từng người để giao việc chứ không thể tiếp tục mãi chế độ xin - cho từng đề tài nghiên cứu như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng với các chuyên gia giỏi.

Nhân dân ta có tinh thần hiếu học vô cùng đáng quý, điều này không phải dân tộc nào cũng có được. Tuy nhiên, cần có những chính sách để khuyến khích thế hệ trẻ say mê học tập, chủ động lĩnh hội kiến thức, cũng như có các chính sách thỏa đáng để thu hút các học sinh giỏi vào học các ngành khoa học cơ bản. Việc giao lưu với các chuyên gia, cập nhật tri thức nhân loại, tăng cường hợp tác đào tạo với các trường, các tổ chức khoa học quốc tế… là những phần việc sẽ góp phần thiết thực thúc đẩy sự phát triển nền giáo dục và khoa học nước nhà.

Tôi vẫn cho rằng, để khắc phục tình trạng bất cập của giáo dục hiện nay, cần bắt đầu từ Chương trình chuẩn, cả ở bậc phổ thông lẫn bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

- Xin cám ơn GS!

Tự Cường thực hiện