Đổi mới dựa vào chuẩn kiến thức kỹ năng

Mai Linh 08/09/2012 08:41

Đó là mục đích cơ bản trong đổíi mới phương pháp dạy học (PPDH) phổ thông được đặt ra trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, thực tế không ít giáo viên rơi vào tình trạng “tham” kiến thức, không trọng tâm làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chủ động và sáng tạo cũng như hứng thú của học sinh trong giờ học.

Chuẩn kiến thức kỹ năng phải là nền tảng

Trong thực tế dạy học hiện nay, việc dạy theo chuẩn kiến thức kỹ năng (KTKN) là vấn đề mà các nhà trường hướng tới. Chuẩn kiến thức kỹ năng được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông, là các yêu cầu cơ bản, tối thiểu về kiến thức kỹ năng của môn học, hoạt động giáo dục mà học sinh cần phải và có thể đạt được. Tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đổi mới PPDH đã được đề cập từ khá lâu, trong các nhà trường nhiều giáo viên cũng đã nỗ lực đổi mới PPDH. Những cố gắng ấy đã tạo ra những bước chuyển biến đáng kể trong dạy và học. Tuy vậy, vẫn còn có những hạn chế như, không ít giáo viên vẫn còn có tình trạng dạy học theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều, nặng về giảng giải, cung cấp kiến thức, áp đặt kinh nghiệm hiểu biết của mình tới học sinh.

Ở một bộ phận khác còn hạn chế trong việc tổ chức hoạt động dạy học sao cho phù hợp với trình độ học sinh và yêu cầu bài  học (cách đặt các câu hỏi chưa phù hợp với trình độ học sinh, chưa phát huy được tính tích cực, chủ động trong học tập của các em…). Trong khi đó, yêu cầu về đổi mới PPDH được xác định rõ trong chương trình giáo dục phổ thông là phải phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh. Phù hợp với đặc trưng môn học, điều kiện của từng lớp học… Hơn thế còn là rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú và trách nhiệm học tập cho học sinh...

Theo TS Lương Việt Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chất lượng và Phát triển chương trình giáo dục phổ thông thì nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trên là do thói quen dạy học theo kiểu giảng giải, truyền thụ kiến thức một chiều và cách ngại thay đổi cách dạy của nhiều giáo viên. Công tác quản lý, chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học còn hạn chế, vấn đề kiểm tra đánh giá chưa thực sự là động lực thúc đẩy, điều kiện cơ sở vật chất… Trong đó còn có một nguyên nhân là việc dạy học của nhiều giáo viên chưa dựa vào chuẩn. Không ít giáo viên còn quá phụ thuộc vào sách giáo khoa hoặc còn dạy học lệch chuẩn, không phù hợp với đối tượng học sinh. Điều này dẫn tới sự quá tải so với yêu cầu của chuẩn. Đồng thời trong tiết học, giáo viên “tham” nội dung mà không trọng tâm nên thời gian dành cho hoạt động của học sinh bị hạn chế, ảnh hưởng tới việc thực hiện đổi mới PPDH. Thậm chí có nhiều giờ thao giảng các giáo viên do không xác định chính xác những yêu cầu mục đích chính của bài dạy dẫn đến kết cấu tiết học chưa có điểm nhấn, trọng tâm bài giảng loãng đối với những môn xã hội, hoặc nhẹ về các kỹ năng đối với các môn tự nhiên. Để tránh những hạn chế không đáng có, đòi hỏi người giáo viên phải nắm được chuẩn KTKN và yêu cầu kiến thức trong sách giáo khoa ở từng bài. Trên cơ sở đó người giáo viên thiết kế xây dựng hoạt động dạy học một cách linh động, hợp lý hơn.

Cần dựa trên cơ sở căn bản sách giáo khoa

Thực tế trong nhà trường phổ thông ở nước ta hiện nay, sách giáo khoa luôn đóng một vai trò quan trọng suốt quá trình dạy học, giúp đạt được chuẩn KTKN. Vì vậy, sách cần được sử dụng trong dạy học kết hợp với  sự hướng dẫn của giáo viên, trao đổi thảo luận của học sinh và kết hợp với các phương tiện dạy học khác. Sách giáo khoa chính là kiến thức nền. Bên cạnh yêu cầu tối thiểu thì sách đồng thời phải đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực của những học sinh có khả năng trội hơn trong môn học. Điều đó đòi hỏi các giáo viên không chỉ làm chủ kiến thức trong sách giáo khoa mà còn phải chủ động khai thác, vận dụng linh hoạt trên các đối tượng cụ thể theo các mức độ từ trung bình đến khá, giỏi. Có như vậy thầy cô mới kích thích được sự sáng tạo của học sinh.

Cô Phạm Thị Giang, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn tại một trường THPT ở tỉnh Ninh Bình chia sẻ: giáo viên cần phải xác định được và thực hiện đầy đủ có trọng tâm những nội dung cơ bản nhất, quan trọng nhất của chương trình môn học. Việc xác định rõ ràng mục tiêu cần đạt rất quan trọng vì điều này giúp giáo viên biết những chỗ cần tập trung ưu tiên trong dạy học (đặc biệt với học sinh trung bình và yếu). Từ đó giáo viên đáp ứng được việc dạy học phù hợp với đối tượng, tránh tạo ra sự quá tải. Khi sử dụng sách giáo khoa, sách giáo viên, giáo viên cần dựa vào chuẩn để xác định rõ những mục tiêu nào, những nội dung nào là cơ bản để tập trung trong hoạt động dạy học. Việc khắc phục tình trạng đưa vào nhiều nội dung một cách không phù hợp sẽ tạo điều kiện thời gian cho tổ chức dạy học theo hướng phát huy tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó, nếu trình độ học sinh, điều kiện thời gian cho phép thì có thể mở rộng, phát triển thêm cho học sinh một cách thích hợp.

Để thực hiện tốt việc đổi mới PPDH phụ thuộc vào nhiều yếu tố song cần chú ý nâng cao năng lực sử dụng Chuẩn KTKN trong công tác quản lý và dạy học. Qua đó sẽ đảm bảo tính thống nhất đồng bộ giữa công tác quản lý, dạy học, kiểm tra, thi cử.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đổi mới dựa vào chuẩn kiến thức kỹ năng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO