Phát triển kinh tế tập thể:

Đổi mới để tiếp tục nâng cao về chất và lượng

- Chủ Nhật, 25/10/2020, 14:50 - Chia sẻ
Một trong những mục tiêu của kinh tế tập thể, hợp tác xã mà chính sách của Đảng và Nhà nước hướng tới là phải trở thành hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh phổ biến trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đem lại lợi ích cao nhất cho thành viên các hợp tác xã và cộng đồng…

Quy mô không ngừng được nâng lên

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức cho nhiều hợp tác xã tham gia hội chợ tại châu Âu và Trung Quốc; tổ chức các hội chợ quốc gia với tổng số 2.421 gian hàng của các hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, tổ hợp tác... của 63 tỉnh, thành phố; kết nối tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã với các Hãng bán lẻ, Saigon-Coop. Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh tổ chức 72 hội chợ, hội nghị; hỗ trợ 1.238 hợp tác xã tham gia kết nối hợp tác xã với các doanh nghiệp, gắn kết tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Các đơn vị sự nghiệp của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hỗ trợ 227 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh tư vấn cho 500 hợp tác xã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh gắn với ứng dụng công nghệ cao; các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện mục tiêu trên, đến nay, cả nước hiện có 22.714 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có 14.816 hợp tác xã nông nghiệp. Những năm qua, quy mô của các hợp tác xã không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả đạt khoảng 55%. Thu nhập bình quân của lao động hợp tác xã hiện xấp xỉ 45 triệu đồng/năm.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đang thu hút được ngày một nhiều cán bộ trẻ, có năng lực quản trị, tinh thần khởi nghiệp. Cụ thể, đến nay 38% trong tổng số 100.388 cán bộ quản lý hợp tác xã đã có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Thời gian qua, riêng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức 335 lớp bồi dưỡng với tổng số 18.757 lượt học viên; dạy nghề cho 817 người lao động; xây dựng và ban hành giáo trình, chương trình khung về bồi dưỡng cán bộ quản trị, cán bộ kế toán, kiểm soát và nghiệp vụ của hợp tác xã. Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh bồi dưỡng cho 108.757 lượt học viên về quản trị, kế toán, kiểm soát, quy trình sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng là hợp tác xã nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh gắn với thị trường tiêu thụ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên và công tác tài chính, kế toán.

Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng hỗ trợ hợp tác xã ngày càng được mở rộng. Theo đó, vốn điều lệ của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã được bổ sung 1.065 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã trung ương đã giải ngân cho vay 105 dự án với số tiền 350 tỷ đồng, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã của 55 tỉnh, thành phố cho vay 4.000 lượt hợp tác xã, 500.000 tổ hợp tác và thành viên hợp tác xã với doanh số 7.000 tỷ đồng. Tư vấn 3.786 hợp tác xã được vay vốn từ các tổ chức tín dụng với số tiền 3.098 tỷ đồng; tư vấn vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm 481 dự án, với tổng số tiền là 82 tỷ đồng. Vốn cho vay của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã hỗ trợ hợp tác xã đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, xây dựng mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị.

Chính nhờ đẩy mạnh các hoạt động trên nên các mô hình hợp tác xã sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng và địa phương đang ngày càng được mở rộng. Bước đầu đã xuất hiện các hợp tác xã chuyển đổi hiệu quả như hợp tác xã bò sữa Evergrowth ở Sóc Trăng, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào ở Lâm Đồng, hợp tác xã xoài La Ngà ở Đồng Nai… Tính đến nay, cả nước đã có 1.580 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.

Những năm qua, quy mô của các hợp tác xã không ngừng được nâng lên.

Để hiệu quả được tiếp tục phát huy

Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn không ít hạn chế. Đó là tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác. Tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Các hợp tác xã nhìn chung có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều. Liên kết hợp tác giữa các hợp tác xã với những thành phần kinh tế khác còn yếu…

Một trong những nguyên nhân của những yếu kém nêu trên là bởi các chính sách dành cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa đi vào thực tiễn. Đơn cử như chính sách về đất đai để hỗ trợ hợp tác xã trong xây dựng trụ sở và nơi sản xuất kinh doanh hiện còn rất hạn chế. Điều này kìm hãm năng lực phát triển của các hợp tác xã. Hay ở một khía cạnh khác, người tiêu dùng đỏi hỏi ngày một cao đặt ra yêu cầu về đổi mới công nghệ sản xuất nhưng hiện có nhiều hợp tác xã chưa tiếp cận được nguồn vốn vay nào để thực hiện mục tiêu này, vì không có tài sản cố định…

Kinh tế hợp tác xã sẽ phát triển theo chuỗi giá trị và sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương.
Kinh tế hợp tác xã sẽ phát triển theo chuỗi giá trị và sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương.

Để khắc phục những bất cập này nhằm tiếp tục nâng cao về hiệu quả kinh tế tập thể, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, thời gian tới cần tiến hành rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cũng như cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững.

Cùng với đó cần tập trung rà soát, chỉ đạo thực hiện Đề án Xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác liên kết, phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với các vùng sản xuất hàng hóa lớn và sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương. Phải xem đây được coi là khâu đột phá trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tiến tới nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã.

Bên cạnh đó, Liên minh hợp tác xã Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh việc triển khai Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thúc đẩy cho vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu, giải thể hợp tác xã yếu kém, đã ngừng hoạt động để tạo dư địa thành lập các hợp tác xã kiểu mới… Đồng thời để các cơ chế, chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể đi vào cuộc sống, Chính phủ cần bố trí ngân sách nhất định hỗ trợ hợp tác xã. Nguồn kinh phí hỗ trợ nên được ghi thành dòng vốn riêng trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm và trung hạn để tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể.

Bảo Ngân