Thay đổi lớn về tư duy và hành động
Theo ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong những năm qua, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế. Khu vực nông thôn với nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh đã đáp ứng nhu cầu việc làm tại chỗ cho người nông dân. Một bộ phận lao động trong độ tuổi lao động là thanh niên với ngành nghề thích hợp đã khởi nghiệp, phát triển kinh tế, trang trải cuộc sống gia đình, góp phần thay đổi diện mạo đời sống của người dân ở vùng nông thôn.
Cùng với đó, chính quyền địa phương các cấp đã chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm, gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Hơn nữa, các địa phương đã có chính sách thu hút các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường đào tạo lao động kỹ thuật tham gia đào tạo để có lao động tinh hoa tại các làng nghề. Do đó, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2023 đạt 52,4 triệu người, tăng 666,5 nghìn người so với năm trước. Trong đó, lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 19,5 triệu người, chiếm 37,3%; khu vực nông thôn là 32,9 triệu người, chiếm 62,7%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý IV năm 2023 là 27,6%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh việc mở các lớp đào tạo nghề, người học còn được hỗ trợ chi phí đào tạo hay chi phí ăn ở, đi lại... Trong đó, đối tượng được hỗ trợ bao gồm: người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
Tập trung đào tạo các ngành mũi nhọn
Để đáp ứng nhu cầu chất lượng lao động ngày càng cao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, nửa đầu năm 2024, Bộ tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển sinh năm 2024.
Đồng thời, tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, và các đối tượng chính sách khác. Cùng với đó, thực hiện rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ thành thị đến nông thôn. Tính đến tháng 6.2024, cả nước có hơn là 1.800 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong nửa cuối năm nay cũng như thời gian tới, Bộ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo Bộ yêu cầu tập trung đào tạo nhân lực một số lĩnh vực mới nổi, kỹ sư, chip bán dẫn hydrogen và nhân lực tín chỉ carbon.
Để tăng cường kỹ năng nghề cho người lao động trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, hiện nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang tích cực chỉ đạo triển khai, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội tiếp cận đối với mọi người dân, phục vụ học tập suốt đời. Đồng thời, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Mặt khác, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng triển khai các hoạt động trọng tâm, đột phá của Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo lộ trình. Hơn hết, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành trọng điểm, mũi nhọn đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; ưu tiên cho các lĩnh vực, ngành nghề mới với kỹ năng mới. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, cũng như hội nhập quốc tế...
Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và thực chất; thay mặt Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chỉ thị số 37 nêu rõ, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn.