Đổi mới công tác lập dự toán ngân sách nhà nước
Tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm trong Phiên họp chiều nay, các ĐBQH Đinh Văn Nhã (Phú Yên), Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang)... đề nghị Chính phủ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương thi hành công vụ, đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong thực hiện các quy định của Chính phủ, trả lời kiến nghị của các địa phương.
Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách
Các ĐBQH đề nghị, QH, Chính phủ cần tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách; thực hiện hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí; có giải pháp hiệu quả, cân đối lại ngân sách, khắc phục tình trạng hụt thu ngân sách Trung ương...; đề nghị chỉ phân vốn cho các địa phương có cam kết đủ vốn đối ứng khi đầu tư dự án...
Theo ĐB Đỗ Thị Lan, thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, 3 năm qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự nỗ lực của các cấp các ngành, địa phương, doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp thực hiện các mục tiêu lớn và đạt được nhiều kết quả. Thu ngân sách 3 năm đạt, vượt dự toán trên 200 nghìn tỷ đồng, giảm dần bội chi so với năm 2016, giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Kỷ luật, kỷ cương tài chính được tăng cường, an ninh tài chính quốc gia được bảo đảm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ĐB Đỗ Thị Lan nêu rõ, vẫn còn khó khăn, bất cập, bội chi ngân sách, nợ công giảm nhưng nợ Chính phủ còn cao. Thu ngân sách chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tăng thu ngân sách chủ yếu từ dầu thô, từ đất, thu từ các doanh nghiệp đạt thấp. Năm 2018, không đạt tỷ lệ huy động từ thuế và phí trên 21%/GDP. Tình trạng thất thu doanh nghiệp trốn, nợ thuế còn tăng, ngân sách nhà nước chưa bố trí đủ cho một số mục tiêu theo kế hoạch. Huy động nguồn lực chi cho đầu tư phát triển còn khó khăn, thể chế hóa cơ chế chính sách pháp luật về tài chính ngân sách còn bất cập. Công tác lập dự toán còn có điểm chưa sát với thực tế cần được Chính phủ quan tâm, có biện pháp khắc phục để đạt được mục tiêu tài chính kế hoạch 5 năm đã đề ra.
![]() | |
ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) | Ảnh: Quang Khánh |
Khẳng định Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện dự toán ngân sách năm 2018 và những năm tới là “rõ và phù hợp”, song ĐB Đỗ Thị Lan cho rằng, phân bổ NSNN Trung ương năm 2019 và phân bổ dự phòng ngân sách đã dự kiến bố trí theo thứ tự ưu tiên. Đề nghị QH, Chính phủ bố trí đủ ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và thực hiện chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, chi cho bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
ĐB Đỗ Thị Lan đề nghị bố trí một phần nguồn dự phòng ngân sách và dự toán ngân sách năm 2019 để hoàn thành các dự án đầu tư kè biên giới, đường tuần tra đã được Chính phủ phê duyệt và có kế hoạch hoàn thành trong giai đoạn 2016 -2020.
ĐB Đỗ Thị Lan đề nghị, Chính phủ nêu ra những khó khăn, vướng mắc thực hiện huy động nguồn lực chi đầu tư phát triển. Bởi, hiện nay nhu cầu đầu tư phát triển ở các địa phương, các dự án quốc gia cần nguồn vốn rất lớn, ngân sách nhà nước hạn hẹp nếu không có biện pháp huy động nguồn lực ngoài ngân sách sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nguồn vay nước ngoài cho đầu tư, và cũng không đủ nguồn lực để đáp ứng với yêu cầu đầu tư phát triển KT - XH theo mục tiêu đề ra. Do vậy, “cần huy động các nguồn vốn đầu tư từ nguồn ODA, nguồn đầu tư nước ngoài, và huy động từ khu vực tư nhân theo hình thức TPP”, ĐB Đỗ Thị Lan nói.
Lấy ví dụ từ thực tiễn địa phương, ĐB Đỗ Thị Lan nêu rõ, Quảng Ninh vừa qua huy động nguồn vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư với nhiều dự án lớn, với tổng mức đầu tư lớn 47.174 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 4.717 tỷ đồng. Như vậy, “cứ một đồng ngân sách đầu tư thì thu hút được 8 - 9 đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách”. Qua huy động vốn này, Quảng Ninh đã đầu tư được nhiều dự án động lực, như cảng hàng không, đường cao tốc…để thực hiện mục tiêu phát triển KT - XH và có ý nghĩa lan tỏa phát triển kinh tế vùng, ĐB Đỗ Thị Lan khẳng định.
Tuy nhiên, ĐB Đỗ Thị Lan cũng nêu rõ, hiện chính sách, pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và nguồn vốn vay ODA còn nhiều bất cập nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư và vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư phát triển. “Đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện đạt đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 như mục tiêu đã đề ra và bảo đảm cơ chế quản lý đối với các dự án đầu tư theo hình thức này”.
Cũng như một số ý kiến của ĐBQH khác, ĐB Đỗ Thị Lan đề nghị, cần đổi mới công tác lập dự toán ngân sách nhà nước. Qua khảo sát một số nước trên thế giới, việc lập dự toán là việc hết sức quan trọng, hầu hết các nước đều quy định rõ về lập dự toán NSNN trong Luật Ngân sách Nhà nước. Thời gian thực hiện lập dự toán thường từ 17-18 tháng. Quy trình lập dự toán được QH bố trí thời gian thỏa đáng để các ĐBQH thảo luận kỹ trước khi thông qua. Ở nước ta, việc lập dự toán ngân sách nhà nước trong khoảng 6 tháng, mỗi năm Bộ Tài chính có một Thông tư để hướng dẫn việc lập dự toán. Việc lập dự toán được Sở Tài chính trao đổi với cơ quan thuế và căn cứ theo số liệu thực hiện năm trước, số thu ngân sách năm trước. Sau đó, Bộ Tài chính có sự điều chỉnh trước khi tổng hợp và Chính phủ trình QH.
“Việc lập dự toán ngân sách nhà nước có điểm chưa sát với thực tế”. Chỉ rõ điều này, ĐB Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ cho đánh giá thực tiễn và có giải pháp phù hợp để việc lập dự toán sát với thực tế và thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
ĐB Đỗ Thị Lan cũng đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ khắc phục tình trạng thất thu thu và nợ đọng thuế, phát triển nguồn thu ngân sách nhà nước. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, tháng 8.2018 nợ thuế tăng 13,3% so với sợ nợ thuế tại thời điểm tháng 12.2017. Thu từ doanh nghiệp của cả 3 loại hình doanh nghiệp đều thấp, không đạt được dự toán, điều đó cho thấy doanh nghiệp dừng hoạt động, doanh nghiệp sản xuất kinh doan chưa có hiệu quả còn lớn. Một bộ phận doanh nghiệp chấp hành về pháp luật thuế chưa nghiêm. Do vậy cần có sự đồng hành của các cấp, các ngành, với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp một cách thực sự, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp hoạt động thực sự có hiệu quả.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá hiệu quả thực hiện quy định chính sách tự kê khai tự nộp thuế của doanh nghiệp và hậu kiểm của cơ quan thuế. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định và có chế tài đối với doanh nghiệp trốn nợ thuế”, ĐB Đỗ Thị Lan nói.
Phối hợp chặt chẽ điều hành chính sách giúp giữ lạm phát ở mức thấp
Phát biểu giải trình, làm rõ những nội dung ĐBQH nêu ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng và các bộ ngành phối hợp chặt chẽ để điều hành kinh tế vĩ mô, phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, kiểm soát lạm phát...
![]() Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phát biểu giải trình, làm rõ những nội dung ĐBQH nêu ra |
Ảnh: Quang Khánh |
“Với sự phối hợp chặt chẽ đó, chúng ta đã giữ lạm phát cơ bản ở mức thấp, đồng thời các cơ quan cũng đã phối hợp trong điều tiết lượng tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước về ngân hàng để bảo đảm thanh khoản”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.
Đặc biệt, trong điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để điều hành tỷ giá, giữ tỷ giá ổn định, thị trường ngoại hối thông suốt. Đồng thời, phối hợp để kiểm soát chặt chẽ tín dụng đầu tư vào thị trường chứng khoán, tránh bất ổn của thị trường chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong làm việc với các tổ chức quốc tế, để các tổ chức này đánh giá chính xác về kinh tế Việt Nam, bảo đảm niềm tin của các nhà đầu tư...
Thời gian tới, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để thực hiện điều hành hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo đúng mục tiêu QH, Chính phủ giao.
Tuy chưa triệt để nhưng đã có kết quả rất đáng ghi nhận
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.
![]() Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn |
Ảnh: Quang Khánh |
Bộ trưởng cho biết, trước khi có Luật Đầu tư công, tình trạng đầu tư rất phân tán, dàn trải, quyết định đầu tư không xác định được nguồn vốn, nhiều dự án dở dang... đã để lại hậu quả nặng nề và chúng ta đang phải xử lý hậu quả của giai đoạn trước. “Luật Đầu tư công ra đời trước hết nhằm giải quyết tình trạng đầu tư dàn trải, tuy chưa xử lý được triệt để nhưng đã có những kết quả rất đáng ghi nhận”, Bộ trưởng khẳng định.
Sau khi ban hành Luật Đầu tư công, chúng ta đã xử lý được tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Từ sau 1.1.2015, nếu phát sinh nợ đọng cơ bản là vi phạm pháp luật. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về đầu tư công đã được nâng lên rõ rệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Tuy nhiên, việc áp dụng Luật Đầu tư công trong thực tiễn cũng có những hạn chế như các đại biểu đã nêu là giao vốn chậm, giao vốn nhiều lần... Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã xây dựng dự thảo luật sửa đổi để trình QH xem xét ban hành nhằm khắc phục những vướng mắc này với tinh thần vừa đẩy mạnh phân cấp, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, vừa quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư công bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thành lập các đoàn công tác làm việc với các bộ ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công…